TS.BS. Đỗ Duy Cường - Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Trương Văn Kh. (42 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) vào viện ngày 14/5/2016 trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, mê sảng và giảm khả năng thính giác. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi xuất hiện các triệu chứng trên, anh Kh. hoàn toàn khỏe mạnh. Một món ăn khoái khẩu của anh Kh. là tiết canh, lòng lợn. Trước đó 1 tuần anh Kh. có ăn tiết canh cùng một số người bạn ở một quán gần nhà.
Những nghi ngờ của bác sĩ rằng bệnh nhân có thể đã bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn càng được củng cố sau thông tin trên từ người nhà bệnh nhân. Ngay lập tức, bệnh nhân được chọc dịch não tủy và lấy máu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, anh Kh. dương tính với liên cầu lợn cả trong máu và dịch não tủy. Theo BS Cường, đây là một ca bệnh tương đối nặng do bệnh nhân vừa bị viêm màng não, vừa bị nhiễm trùng huyết. Rất may khi làm kháng sinh đồ, bệnh nhân nhạy cảm với kháng sinh nên đã đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Nhờ đó, sau 2 tuần điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, không còn nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên khả năng thính giác của bệnh nhân thì không thể hồi phục.
Theo bác sĩ Cường, liên cầu lợn là một bệnh mới nổi nhất là vào mùa hè. Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, có tháng không có trường hợp nào. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.
Để chủ động phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Bên cạnh đó, người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định; Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột, giảm khả năng thính giác, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Mai Thanh