Cất giấu những vất vả, hy sinh, trên mặt trận điều trị, dịch Covid-19 đã biến họ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch tận hiến không biết mệt mỏi. Chuyên đề Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch khắc họa chân dung về những người phụ nữ Việt Nam như thế.
“Mỗi người là một mắt xích trong phòng chống dịch. Chỉ cần một mắt xích lỏng lẻo, không được xử lý kịp thời là đủ dẫn đến thất bại”, TS, BS Trương Anh Thư - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiếm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh với đồng đội khi đứng trước tình trạng “zero” về kiểm soát nhiễm khuẩn trong những ngày đầu tiên chi viện cho miền nam.
Chạy đua với thời gian để tạo "rào chắn" an toàn cho nhân viên y tế
TS, BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai mang theo bề dày kinh nghiệm đã từng trải qua tại các mặt trận nóng nhất như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh để "nam tiến". Nhưng khi đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, sự thiếu thốn nghiêm trọng từ trang thiết bị, phương tiện tới nhân lực ở đây nằm ngoài sức tưởng tượng của chị.
Bệnh viện Bạch Mai được bàn giao 1 bệnh viện dã chiến trên nền nhà kho và thành phố hỗ trợ duy nhất hệ thống ô-xy trung tâm. Gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn là phải xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, bác sĩ Anh Thư tâm tư: “Đối tượng bệnh nhân được tiếp nhận vào trung tâm là những người ở tình trạng nặng nhất trong điều kiện cơ sở vật chất để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn là vô cùng hạn chế. Lần đầu tiên, tôi ngổn ngang những lo lắng”.
Ở Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai triển khai phải đảm đương ở giai đoạn cao điểm gần 400 người bệnh rất nặng, gấp 4 lần so với năng lực của một bệnh viện tuyến đầu. Nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn hầu hết còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, người bệnh nặng không thể chờ một ngày.
Công việc đầu tiên đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, không phải là tư vấn chuyên môn như chị nghĩ, mà bằng những việc rất nhỏ, lo từ băng dính, túi ni-lông, khăn lau, giẻ lau tới phương tiện lớn hơn như thiết bị xử lý dụng cụ, đồ vải y tế, trang thiết bị phòng hộ. Bác sĩ Anh Thư canh cánh nỗi lo lớn, nếu không đủ thiết bị, phương tiện, nhân viên y tế không thể có môi trường làm việc và thực hành an toàn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Danh mục hàng hóa hơn 100 mặt hàng cần thiết để chống nhiễm khuẩn trong đại dịch mà trong 2-3 tuần đầu gần như có rất nhỏ giọt.
“Ngay cả khẩu trang N95 cần thiết cho nhân viên y tế an toàn nhưng giai đoạn đầu chúng tôi phải tính từng ngày dùng hết bao nhiêu chiếc, ngày mai lấy khẩu trang ở đâu. Đây là giai đoạn khó khăn và áp lực”.
Mỗi ngày, chị và đồng đội cùng huy động tình nguyện viên, góp nhặt từng phương tiện một để làm dầy lên danh mục. Song song, chị phải tập trung hoàn thiện quy trình làm việc trong tình trạng nhân lực mới, mạng lưới cộng tác viên lần đầu tham gia chống dịch. “Chúng tôi vừa lo hoàn thiện danh mục, vừa đào tạo tập huấn theo hình thức cầm tay chỉ việc để nhân lực mới, chưa nhiều kinh nghiệm có thể bắt kịp nhanh chóng công việc”.
Lo lắng từ hậu cần, tới trang thiết bị, giờ phải làm đồng đội hiểu và cùng phối hợp vượt qua khó khăn cũng là thách thức không kém. Các nhân viên y tế vào đây tuần đầu áp lực rất lớn. Mệt mỏi, người bệnh quá tải, phải làm trong điều kiện nhà mái tôn, trang phục bảo hộ nóng bức khiến một số người bức xúc, phản đối vì trang phục bảo hộ làm họ nhanh mệt, xuống sức hơn.
Với những làn sóng dịch trước đó tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, bác sĩ Anh Thư đã rất quyết liệt với tất cả lãnh đạo và nhân viên các đơn vị tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 để họ quan tâm và tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu tránh nguy cơ phơi nhiễm. Nếu tập huấn, nhắc nhở mà không thay đổi, chị lại tức tốc xuống tận địa bàn làm việc, trực tiếp gặp lãnh đạo trao đổi về việc có cần thiết phải đào tạo tập huấn lại toàn bộ bệnh viện hay không, những nội dung cần ưu tiên đào tạo, phương tiện đã bố trí phù hợp chưa và sắp xếp, tổ chức công kiểm soát nhiễm khuẩn tới đâu, còn những lỗ hổng nào cần khắc phục? “Đôi khi tôi cũng hơi to tiếng”, bác sĩ Anh Thư nói.
Nhưng ở cuộc chiến với biến chủng Delta tại TP Hồ Chí Minh, chị không thể giữ sự nóng nảy đó khi đồng nghiệp quá áp lực trước bối cảnh thiếu thốn. “Tôi phải kiềm chế tính nóng nảy, kiểm soát cảm xúc của mình trước nhiều tình huống. Khi mọi người đều quá áp lực, căng thẳng, nếu tranh luận kịch liệt sẽ phản tác dụng. Tôi phải dần dần từng bước thuyết phục, động viên, giải thích cho đồng đội hiểu để họ tự ý thức được bảo vệ an toàn cho bản thân”.
Tuy vậy, với vị trí là một bác sĩ chịu trách nhiệm kiểm soát nhiễm khuẩn cho toàn trung tâm, bác sĩ Anh Thư có nhiều tâm tư. “Đôi khi không dễ dàng thuyết phục để đồng nghiệp thay đổi, thông cảm với mình vì ai cũng áp lực. Có lúc, tôi vô cùng áy náy vì không biết làm cách nào để đồng nghiệp có được những phương tiện, vật tư và các điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn khác tốt hơn, thuận lợi hơn để họ giảm bớt mệt mỏi, kiệt sức trong cuộc chiến những ngày đầu”.
“Làn sóng thứ 4 có nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm. Nhân viên là lực lượng quý giá nhất tham gia vào phòng, chống dịch. Nhân viên y tế không được bảo vệ an toàn thì môi trường bệnh viện, người bệnh cũng không thể an toàn, công cuộc chống dịch sẽ bị thất bại”.
Giữ vững mặt trận điều trị trước "cơn lốc" của nhiễm khuẩn bệnh viện
Bác sĩ Anh Thư mô tả, công việc của nhóm chị giống như những camera giám sát “di động” để kiểm tra, phát hiện những tồn tại khó khăn của đồng nghiệp để giúp họ bảo đảm tuân thủ các bước thực hành, bảo đảm an toàn của bản thân và người bệnh.
Thực hành chống dịch không quá phức tạp hay tốn kém, chủ yếu duy trì tuân thủ 5K trong bệnh viện, tuân thủ nghiêm ngặt thực hành phòng ngừa cơ bản như vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường tiếp xúc thường xuyên, sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân. Nhưng điều khó nhất là làm sao tất cả mọi người có ý thức tuân thủ. Chỉ một vài người không tuân thủ tốt, đồng nghiệp và người bệnh sẽ không an toàn.
Đặc biệt, trước biến chủng Delta có nguy cơ lây rất nhanh, để thích ứng với tình thế khẩn cấp, mọi quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện mang vào TP Hồ Chí Minh được bác sĩ Anh Thư xây dựng tối giản nhất. Đây là giai đoạn đổ nhiều mồ hôi và nước mắt.
Mỗi ngày, bác sĩ Anh Thư đi lại như con thoi giữa các bệnh viện dã chiến, vừa đi khảo sát cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chị vừa tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để tìm cách phối hợp, triển khai giải quyết theo tình huống thực tế. Đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh bệnh dịch cần phải hướng tới những thực hành phòng, chống dịch an toàn, có thể thực hiện trong điều kiện thiếu thốn theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Tình thế chung lúc này của các bệnh viện dã chiến là không có người làm chuyên trách nhiễm khuẩn, không có trang thiết bị, thậm chí trong tình trạng quá tải tới mức không thể triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo như các Quy định, Hướng dẫn hiện hành. Có những ngày chị rơi vào trạng thái rất mệt mỏi vì phải bắt tay làm mọi thứ từ đầu ở những cơ sở dã chiến khác nhau. Trong đó, điều mà chị đau đáu đặt lên bàn lãnh đạo các bệnh viện dã chiến là cần phải có nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu không triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên y tế sẽ không được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19.
“TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kịch bản nhưng mọi thứ diễn biến đã vượt qua dự báo. Những ngày cuối tháng 7, các bệnh viện dã chiến rơi vào tình trạng thiếu thốn nặng nề, không đủ nhân lực, phương tiện bảo hộ. Tại một số bệnh viện, nhân viên y tế chỉ được trang bị duy nhất khẩu trang y tế, thậm chí quần áo bảo hộ cũng không đầy đủ. Người nhà F0 cũng vào bệnh viện để chăm người bệnh, không còn ranh giới giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà, lây nhiễm chéo là tất yếu”, bác sĩ Anh Thư nói.
Trước một tình thế khủng hoảng, bác sĩ Anh Thư đặt ra mục tiêu với nhóm là cố tạo rào chắn an toàn cho nhân viên y tế. Với việc duy trì kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng ngày tuân thủ phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 của nhân viên y tế, rất may mắn, các đồng nghiệp của chị tại Bệnh viện Bạch Mai chưa ai bị nhiễm SARS-CoV-2. Ở một số cơ sở y tế khác, khi ranh giới bị nhòa đi, phương tiện, người chăm sóc không đủ, nhiều nhân viên y tế quá tải công việc, đã có nhiều nhân viên y tế lần lượt phải rời công việc vào khu cách ly. Lúc đó, cả đội lại lên đường tới cơ sở dã chiến, rà soát lại quy trình, các công việc liên quan đến ca nhiễm để tìm hiểu xem lý do vì sao nhân viên y tế bị nhiễm để rút kinh nghiệm, không để lặp lại tình huống mất an toàn.
“Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, số người bệnh Covid-19 nặng tăng rất cao. Các nhân viên y tế chịu nhiều sức ép, bệnh nhân nằm ngổn ngang, không thể làm và cũng không có người làm chuyên trách được công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhân viên y tế gần như bất lực và họ bị nhiễm SARS-CoV-2 nhiều. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai còn phải cần thời gian để đi vào ổn định công tác này, thì các bệnh viện vệ tinh vốn trống cả về bác sĩ hồi sức cấp cứu tới nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn, nên rất khó tránh được nguy cơ nhiễm”, bác sĩ Anh Thư tâm sự.
Số lượng người bệnh tử vong lớn trong vài tuần đầu. Có những gia đình cả 3 người vào trung tâm vào cấp cứu và lần lượt tử vong khiến ai cũng stress nặng nề. Bác sĩ trong trung tâm thẫn thờ nhìn người bệnh ra đi. Đau đớn hơn, khi có không ít người bệnh đã được điều trị ổn định suy hô hấp do Covid-19 nhưng lại mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Các người bệnh nặng, suy giảm miễn dịch phải can thiệp nội khí quản, sử dụng nhiều máy móc hỗ trợ khó tránh được việc nhiễm những loại vi khuẩn đa kháng.
Dù cố gắng dùng những loại kháng sinh mạnh nhất, hiện đại nhất trên thế giới để điều trị, nhưng các bác sĩ vẫn không thể đánh bại được vi khuẩn đa kháng kháng sinh. “Tưởng chừng họ qua khỏi bệnh do Covid-19 nhưng tử vong liên quan tới nhiễm trùng bệnh viện do vi khuẩn đa kháng. Đây là điều đau đớn và bất lực”, bác sĩ Anh Thư xót xa nói.
Người đứng sau đám cưới online nhiều cảm xúc
Nắng nóng, áp lực làm việc liên tục ngày đêm cùng với việc phải đào tạo, tập huấn cho nhiều bệnh viện dã chiến, bác sĩ Anh Thư sút đi vài ký. Cuối tháng 8, khi đã duy trì được ổn định cơ sở của trung tâm, được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc, các đơn vị liên quan của trung tâm đã huy động được nguồn tài trợ cần thiết, mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn 8 người chị xây dựng đi vào hoạt động bài bản hơn, bác sĩ Anh Thư mới thở phào nhẹ nhõm.
"Mục tiêu để hỗ trợ các bệnh viện dã chiến kiểm soát nhiễm khuẩn, chúng tôi đã làm được. Đóng góp của chúng tôi là cố gắng để mọi người làm việc trong điều kiện môi trường an toàn nhất, giúp mọi người có kiến thức, kỹ năng và chủ động hơn trong phòng chống dịch. Mọi người cũng ý thức được vai trò của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và người bệnh", bác sĩ Anh Thư tự hào nói.
Chinh chiến qua nhiều mặt trận chống giặc Covid-19 khốc liệt, mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn bác sĩ Anh Thư dày công xây dựng, tập hợp được các nhân viên rất say mê và nhiệt tình. Họ thầm lặng làm việc, giấu những niềm riêng để lăn xả vào công việc chung.
“Một nữ điều dưỡng trong nhóm tôi đến ngày cưới không dám về, không dám nói với ai vì sợ ảnh hưởng công việc. Cô ấy hy sinh hạnh phúc riêng để lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã cố gắng tặng cho bạn ấy một lễ cưới online đặc biệt. Đó là cảm xúc rất mạnh để khích lệ chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa để thành phố sớm bình yên”, bác sĩ Anh Thư xúc động kể.
Trong cuộc chiến với biến chủng Delta có tốc độ lây lan cấp số nhân, lây nhiễm trong khu điều trị là tất yếu nếu xem nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhân viên y tế không được bảo vệ thì bệnh viện sẽ vỡ trận. Mục tiêu lớn nhất của công cuộc chống dịch đợt này là giảm tỷ lệ người bệnh Covid-19 tiến triển nặng và tử vong. Nếu không làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ không thể đạt được mục tiêu này.
Vì thế, dù không phải tham gia công việc trực tiếp điều trị cho người bệnh, nhưng chỉ với một nhóm ít ỏi 8 người trong Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn, nữ tướng trên mặt trận kiểm soát nhiễm khuẩn Anh Thư cùng các tình nguyện viên đã đảm trách một khối công việc khổng lồ cho Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai và 10 bệnh viện vệ tinh. Họ làm việc bằng 200-300% sức lực, lo từ những thứ nhỏ nhất để làm sao, mỗi nhân viên y tế bước qua cánh cửa vào khu điều trị đều an toàn tuyệt đối, giữ vững mặt trận điều trị.
Trước khi kết thúc chi viện, bác sĩ Anh Thư và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đào tạo để giúp các bệnh viện vệ tinh có kiến thức, kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, sắp xếp, bố trí được nhân lực chuyên trách để duy trì triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhìn lại thành quả mình và các đồng nghiệp đã làm được thời gian ngắn qua, bác sĩ Anh Thư chia sẻ: TP Hồ Chí Minh đã có những khởi sắc, đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
“Lúc trung tâm mới thành lập, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là “zero” thì bây giờ, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn đạt trên 80% tiêu chí với nhân lực tốt hơn, có sở vật chất cần thiết, đi vào hoạt động thường quy. Trong điều kiện bệnh viện dã chiến, để đạt 100% theo tiêu chuẩn đặt ra như tại bệnh viện rất khó, vì thế chúng tôi tạm hài lòng với kết quả đạt được”.