Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

BV Bạch Mai tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử

Thực hiện kế hoạch 339/KH- BYT ngày 21/4/2011 của Bộ Y tế, ngày 29 và 30 tháng 10 năm 2011, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội thi “Tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử ngành Y tế năm 2011”. 

  Đến với hội thi, mỗi đội phải trải qua ba phần thi bao gồm: Chào hỏi, thi kiến thức và thi tiểu phẩm. Phần chào hỏi, mỗi đội tự giới thiệu về các thành viên tham gia, giới thiệu về đơn vị mình và các hoạt động triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử thông qua các hình thức thơ, ca, hò vè, kịch, v.v… Phần thi kiến thức bao gồm nội dung của Quyết định số 29/2008/QĐ- BYT ngày 18/8/2008; 12 Điều Y đức; Luật khám chữa bệnh; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Lao động; Luật Công đoàn; Kỹ năng giao tiếp ứng xử, v.v...Đặc biệt, có nội dung trả lời câu hỏi theo hướng thuyết trình, đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu sắc bản chất và liên hệ được thực tế vấn đề đặt ra. Phần thi tiểu phẩm, các đội trình bày tiểu phẩm tự sáng tác với nội dung tập trung vào các vấn đề, sự việc, tình huống mà xã hội đang quan tâm, đã và đang diễn ra hàng ngày tại từng khoa, phòng trong bệnh viện. 

“Rau muống” và lương tâm của người thầy thuốc

Trong ba phần của hội thi: chào hỏi, hiểu biết văn hóa ứng xử và tiểu phẩm thì phần thi tiểu phẩm về những điều hay và chưa hay của ngành y tế được mọi người quan tâm, cổ vũ nhiều nhất. Nhiều tình huống ứng xử giữa người bệnh và cán bộ y tế mà hầu hết kịch bản dự thi được xây dựng dựa trên thực tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho thấy ứng xử của người thầy thuốc đâu đó vẫn còn gây bức xúc cho bệnh nhân. 

Hội thi mở đầu bằng phần thi của Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu với tiểu phẩm đặc sắc mang tựa đề “Chỉ tại cái trinh tiết”. 

Tiểu phẩm có tựa đề Rau muống của Khoa Gây mê là cuộc “đấu tranh” giữa một bên là gia đình, người thân và một bên là trái tim người thầy thuốc! BS.Thoại - tên nhân vật, một người đam mê nghề nghiệp và có lương tâm. Giữa xã hội điên đảo vì đồng tiền nhưng ông vẫn giữ cho mình một cái tâm trong sáng. Điều đó khiến gia đình ông không được khá giả như mọi nhà. Thực đơn thường xuyên là rau muống luộc, rau muống xào...

Vợ BS. Thoại không chịu nổi cảnh nghèo nàn và buộc bác sĩ phải nhận phong bì cảm ơn. Sau nhiều lần bị áp lực từ phía người vợ, vị bác sĩ đành buông xuôi để nhận phong bì. Nhưng khi bệnh nhân đến nhà khám, ông vẫn từ chối. Bà vợ gạt BS. Thoại ra để nhận. Trong quá trình hỏi han, thăm khám, cô con gái bệnh nhân nói bố đã chết vì không có phong bì và lần này cô quyết tâm phải đưa phong bì bằng được vì cô không muốn mất nốt mẹ.

Trước câu chuyện bi thương, BS. Thoại kiên quyết: Phần đông các thầy thuốc không nhận phong bì và BS. Thoại thì càng không. Thông điệp của tiểu phẩm gửi đến người xem: Các thầy thuốc ngành y vẫn luôn hết lòng vì bệnh nhân, dù đâu đó có những hoàn cảnh, những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Để bệnh nhân có giấc ngủ ngon, các thầy thuốc đã thức trắng đêm canh các chỉ số, hệ thống thiết bị theo dõi tình trạng bệnh nhân. Nhiều người “mặc định” vào viện là phải có phong bì và nhiều khi bệnh nhân tử vong, họ cho rằng vì chưa có phong bì (tình huống trong tiểu phẩm) nhưng họ không hiểu rằng, tình trạng bệnh nặng mới chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Hay tiểu phẩm của Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, dù không thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhưng nếu không hướng dẫn giải thích cụ thể khi học viên có yêu cầu, cáu gắt, thậm chí có thái độ hách dịch với học viên… được đội thi tái hiện trên sân khấu rất sinh động, khiến người xem phải suy ngẫm.

Lần đầu tiên đứng trên sân khấu, những diễn viên không chuyên là những cán bộ nhân viên y tế hàng ngày khoác trên mình tấm áo trắng hết lòng chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, đã diễn xuất rất nhập vai và truyền cảm. Mỗi tiểu phẩm mang các thông điệp khác nhau nhưng đều tập trung ca ngợi, biểu dương những cán bộ, viên chức Y tế thực hiện tốt quy tắc ứng xử, y đức, đồng thời phê phán những biểu hiện chưa đúng trong văn hoá giao tiếp ứng xử, những biểu hiện tiêu cực còn xảy ra trong các cơ sở y tế.

Nhân lên giá trị  lương tâm người thầy

TS. Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai rất tâm đắc với hội thi bởi đây là cách để giúp các nhân viên y tế tự xem xét, tự “soi” lại cách ứng xử của mình. Dù các quy định về quy tắc ứng xử đã được ban hành nhưng vẫn còn một số cá nhân có thái độ làm bệnh nhân không hài lòng hay những chuyện tiêu cực đau lòng khác mà chính bản thân những người trong nghề đã từng gặp phải.

TS Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc bệnh viện khẳng định: “Người bệnh và người nhà người bệnh đến bệnh viện với tâm trạng lo âu vì thế chỉ cần một lời nói ân cần, một cử chỉ nhẹ nhàng, dịu dàng…cũng đã đủ làm cho người bệnh vơi đi nỗi đau bệnh tật và gần gũi với người thầy thuốc. Vì thế tăng cường thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức là một việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hội thi được tổ chức với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử, góp phần động viên khích lệ cán bộ nhân viên y tế và đẩy lùi các tiêu cực nhằm thực hiện tốt văn minh giao tiếp ứng xử, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện”.

Vẫn biết rằng tình trạng quá tải, khối lượng công việc nhiều nên đôi lúc người thầy thuốc có ứng xử không tốt. Và trong cơ chế hiện nay, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế cần chia sẻ, cộng tác tốt với nhau mới góp phần nâng cao y đức. Dù chưa thể phản ánh hết những góc khuất trong văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong thực tế nhưng ít ra, những tiếng nói trong hội thi cũng góp được chút “gió” để bệnh viện từng bước xây dựng hình ảnh người thầy thuốc đẹp, thân thiện với người bệnh.

Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử của Bệnh viện Bạch Mai đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, về văn hóa ứng xử, đạo đức, nhân cách của người thầy thuốc đã và đang bị thử thách và chịu nhiều sự tác động ngoài xã hội.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image