Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

BVBM lần đầu điều trị thành công BN ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất

Sàng lọc phát hiện ung thư sớm, cơ hội sống cho bệnh nhân sẽ được kéo dài hơn. Tại các quốc gia phát triển tỷ lệ phát hiện ung thư là có xu hướng ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ tử vong lại có xu hướng giảm xuống. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển tỷ lệ phát hiện ung thư cũng ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cũng ngày càng tăng. Một trong những lý do để giải thích vấn đề trên là sàng lọc phát hiện ung thư sớm ở các nước phát triển dược làm tốt hơn ở các nước dang phát triển. Vì vậy, sàng lọc phát hiện ung thư sớm là vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho mỗi người. Dưới đây là trường hợp một bệnh nhân được phát hiện và điều trị ung thư sớm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Cơ hội sống mong manh

Ba năm trước (tháng 4/2007), Nguyễn Việt H, 17 tuổi thấy đau ngực trái, khó thở và đã đi khám tại 1 bệnh viện ở Hà Nội. Tại đây, Việt H được chẩn đoán: U trung thất và được chỉ định phẫu thuật lấy u. Tuy nhiên, khi tiến hành phẫu thuật, do khối u quá lớn, xâm lấn ngay sát các mạch máu chính nên việc cắt bỏ khối u đã không thể tiến hành. Các bác sỹ chỉ có thể lấy mô bệnh để sinh thiết. Kết quả giải phẫu mô bệnh học cho thấy Nguyễn Việt H bị ung thư tinh hoàn (seminoma) và H được "trả" về nhà.

Đến giờ, H và gia đình không quên nổi cảm giác bi quan và chán nản, bởi lẽ cơ hội sống không còn.

Sau khi trở về nhà, bệnh cảnh của H trở nên trầm trọng với các triệu chứng đau ngực trái tăng dần và xuất hiện khó thở. Ngày 22 tháng 7 năm 2007, Việt H thấy không thể thở nổi, cảm giác đau tức ngực trái tăng. Gia đình đã đưa Việt H đến Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Qua thăm khám, các bác sỹ thấy bệnh nhân có khối u thành ngực trái kích thước 5x6cm, mật độ mềm, ranh giới không rõ. Tim bị đẩy sang phải (mỏm tim ở cạnh xương ức trái); hội chứng ba giảm toàn bộ phổi trái. Tinh hoàn hai bên đủ, không thấy tổn thương u.

Việt H được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm đánh giá tình trạng tổn thương u và tình trạng di căn xa.

Xét nghiệm máu: Hồng cầu 4,9T/l; Hemoglobin 132g/l; Bạch cầu: 7,0 G/l; Bạch cầu trung tính 68,4%; Tiểu cầu: 187G/l. Ure: 3.9mmol/l; Creatinin: 83 µmol/l; ASAT: 75U/l; ALAT: 24U/l; βHCG:539,6 mU/ml; αFP:1,28 ng/ml; LDH: 1996 U/l

Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Trung thất có khối lớn xâm lấn toàn bộ khoang ngực trái gây xẹp phổi trái, tổn thương lan rộng ra vùng thành ngực

Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: có hình ảnh dịch ổ bụng, không có hạch ổ bụng; các tạng khác không có gì đặc biệt.

Xạ hình xương: không có hình ảnh tổn thương di căn xương

Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi trái. Ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất, phúc mạc.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Với các kết luận về bệnh cảnh, các bác sỹ chỉ định, bệnh nhân cần được điều trị bằng hoá chất. Ngay sau lần điều trị hoá chất đầu tiên, khối u thành ngực của Việt H đã thu nhỏ dần. Sau 20 ngày truyền hoá chất, tổn thương tại thành ngực đã tan.

Xét nghiệm sinh hóa với các xét nghiệm chỉ điểm khối u trở về bình thường: βHCG: 0,158 mU/ml; αFP:2,23 ng/ml; LDH: 331 U/l

Trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Tổn thương u trung thất đã thu nhỏ kích thước hơn trước, phổi trái đỡ xẹp

Siêu âm ổ bụng: dịch ổ bụng đã hết, không thấy hình ảnh bất thường khác.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị hoá chất 03 đợt (tổng cộng 04 đợt). Sau 04 đợt điều trị hoá chất tổn thương u vùng trung thất đã thu nhỏ nhiều, chỉ còn lại tổn thương xơ hoá sau điều trị.

Xét nghiệm chỉ điểm khối u cho thấy kết quả trong giới hạn bình thường: βHCG: 0,103 mU/ml; αFP:1,26 ng/ml; LDH: 221 U/l

Trong các chu kỳ điều trị hoá chất Việt H có xuất hiện một số tác dụng phụ sau khi truyền hoá chất như buồn nôn, nôn, mệt, ăn uống kém. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này ở mức độ nhẹ. Sau khi dùng các thuốc chống nôn, nâng cao thể trạng... các tác dụng phụ này được khống chế tốt.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị xạ trị vào diện tổn thương u ban đầu, liều 40Gy nhằm tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại, đề phòng tái phát và giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Ths.Bs. Phạm Cẩm Phương, người trực tiếp điều trị cho Việt H cho biết: Trong và sau quá trình điều trị xạ trị, bệnh nhân không có biểu hiện tác dụng phụ hay biến chứng gì đặc biệt. Việt H đã kết thúc quá trình điều trị vào tháng 4 năm 2008. Hiện nay, Việt H đã trở về nhà sống và sinh hoạt bình thường.

BS Cẩm Phương cho biết thêm: Sau khi kết thúc quá trình điều trị bệnh nhân được tái khám 3 tháng/lần, trong hai năm đầu tiên. Sau đó, bệnh nhân được tái khám lại cứ mỗi 6 tháng một lần. Cho đến nay, tất cả các lần tái khám đều không thấy xuất hiện tổn thương tái phát hoặc di căn xa. Lần khám gần đây nhất của bệnh nhân là tháng 04/2010 với triệu chứng lâm sàng hoàn toàn bình thường: bệnh nhân ăn, uống, sinh hoạt, công tác bình thường. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u cho thấy kết quả trong giới hạn bình thường: βHCG: 0,1 mU/ml; αFP:1,58 ng/ml; LDH: 220 U/l. Siêu âm ổ bụng không thấy hình ảnh bất thường. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: còn tồn tại tổn thương dạng xơ hoá tại trung thất, không thất tổn thương tái phát.

Theo PGS. TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc , Bệnh viện Bạch Mai: Tỷ lệ ưng thư tinh hoàn gặp với tỷ lệ thấp hơn so với nhiều loại ung thư khác.  Ung thư tinh hoàn biểu hiện ở trung thất là trường hợp hiếm gặp. Việc chẩn đoán rất khó và điều trị thành công cho Việt H là một thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Qua trường hợp của Việt H cho thấy, việc phát hiện và điều trị ung thư sớm là rất quan trọng, sẽ giúp cho bệnh nhân có cơ sống  cũng như chất lượng sống cho người bệnh

Đỗ Hằng

TTĐT - CĐT

 

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image