Loạn sử dụng kháng sinh là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) phức tạp, khuẩn độc biến đổi nhanh, khó điều trị.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các khoa hồi sức tích cực cao nhất trong các bệnh viện
Không chết vì bệnh mà chết vì nhiễm khuẩn
Nói về tình trạng NKBV, GS. Vũ Văn Đính, người sáng lập ngành Hồi sức Cấp cứu của y tế Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã từng cứu được rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi bệnh hiểm nghèo nhưng cuối cùng lại chết vì NKBV. Có những bệnh nhân hôn mê sâu mấy hàng tháng trời có thể tỉnh lại nhưng nếu chỉ cần mắc khuẩn kháng sinh thì ngay lập tức sức khỏe lại nguy kịch”.
Kết quả khảo sát tại 25 bệnh viện (BV) tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người bệnh mắc hơn một loại NKBV trở lên khoảng 4,61%. Trong đó, 2 loại NKBV phổ biến nhất là nhiễm khuẩn viêm phổi (28,2%) và nhiễm khuẩn vết mổ (25,4%). Đáng chú ý, tỷ lệ NKBV tại các khoa hồi sức tích cực cao nhất với tỷ lệ trung bình hơn 27%, trong đó nhiễm khuẩn viêm phổi chiếm 78%.
Tại BV Bạch Mai, tác nhân chính gây nhiễm khuẩn BV là trực khuẩn gram (-) chiếm 78%; cầu khuẩn gram (+) chiếm 19% và 3% nấm. Các yếu tố liên quan tới nhiễm khuẩn bệnh viện gồm bệnh nhân nặng điều trị tại đơn vị hồi sức cấp cứu, ngoại, bệnh nhân trải qua nhiều thủ thuật xâm nhập và bệnh nhi.
Đề cập đến vụ 4 trẻ sơ sinh tại BV Sản nhi Bắc Ninh tử vong hồi tháng 11/2017, GS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho rằng, đây là vụ việc điển hình cảnh báo tình trạng kiểm soát NKBV hiện ở mức rất thấp. “19 cháu được chuyển lên tuyến trên điều trị đều mắc cùng chung bệnh lý NKBV. Tại BV Nhi T.Ư, kết quả cấy vi khuẩn trong máu của hai bệnh nhi nặng cho thấy, bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, nên phải điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh nhất”, BS. Điển cho hay.
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai, hiện vi khuẩn kháng thuốc không chỉ xuất hiện ở BV tuyến T.Ư mà còn có trong tất cả cộng đồng. Nguy hiểm hơn, nhiều khuẩn cực độc kháng thuốc thay đổi rất nhanh. “Tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, nếu như cách đây hơn 10 năm, trực khuẩn mủ xanh chỉ kháng khoảng 12-15% loại kháng sinh thì giờ đây tỷ lệ này đã lên tới 80-90%. Hoặc, vi khuẩn cực độc gram (-) Acinetobacter baumannii là một trong những tác nhân chủ yếu gây NKBV tới nay gần như đã kháng tất cả các loại kháng sinh. Chỉ duy nhất còn một loại kháng sinh có thể điều trị được khuẩn này song độc tính lại rất cao khiến người bệnh có nguy cơ tử vong ít nhất khoảng 50%”, ông Hùng dẫn giải và nhận định: “Tại Khoa Hồi sức tích cực khoảng cách giữa cái chết và sự sống chủ yếu do NKBV chứ không phải vì bệnh. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc sử dụng kháng sinh bừa bãi và kiểm soát NKBV kém”.
Để giảm thiểu tình trạng NKBV, theo ông Hùng, ngoài biện pháp kiểm soát phòng ngừa nghiêm ngặt, các BV cũng cần có biện pháp phát hiện sớm trường hợp nhiễm khuẩn, cách ly triệt để.
BV găm tiền kiểm soát nhiễm khuẩn?
Tại hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh ngày 27/3, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh. “NKBV làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế”, ông Khuê nhận định.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang ở mức thấp, công tác giám sát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, có 72,06% BV đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hàng năm, nhưng việc thực hiện giám sát vẫn rất thấp, chỉ 35,29% BV có bộ phận giám sát nhiễm khuẩn chuyên trách.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến kiểm soát NKBV ở mức thấp là do nhận thức của lãnh đạo, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh. Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, chi phí mà BHXH dành cho việc kiểm soát NKBV không phải là nhỏ. “Trừ tiền thuốc và vật tư máy móc, chi phí kiểm soát NKBV chiếm tới 30% viện phí. Rõ ràng nguồn kinh phí này không hề nhỏ nhưng sử dụng như thế nào cho hiệu quả thì câu trả lời thuộc phía lãnh đạo quản lý BV. Thực tế nếu số tiền này không được dùng thì BV được quyền giữ lại và nhiều đơn vị lấy đây là nguồn để cải thiện đời sống cán bộ nhân viên. Chính vì thế, thời gian tới, Bộ Y tế cần yêu cầu các BV cam kết phải sử dụng nguồn tiền chi cho kiểm soát bệnh viện, báo cáo cụ thể chứ không thể để tự do sử dụng như hiện nay”, ông Hùng nói.
Nguồn Baogiaothong.vn