Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Cảnh báo tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng

Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày cao điểm nắng nóng gần đây, có rất nhiều ca bệnh nhập viện liên quan đến thời tiết nắng nóng như say nắng, sốc nhiệt, tai biến mạch máu não kèm theo đó là các bệnh mãn tính khác.

Bệnh nhân Nguyễn Thị X. (54 tuổi, ở Tân Phú, Quốc Oai) vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu. Chị Dương Thị Xuân - người nhà của bà X. cho hay: “Sáng nay mẹ tôi vẫn thức dậy vẫn bình thường và tỉnh táo, tôi còn nói chuyện với bà trước khi đi làm. Khoảng 5 giờ 30 bà đi ra ngoài đánh răng rửa mặt, sau đó đi vào thì ngã ngay trước sân nhà”.

Chị Xuân cho hay, bà X. có tiền sử bị bệnh cao huyết áp và vẫn đang dùng thuốc. Bình thường bà vẫn hay ra ngoài ruộng làm rau. Mấy ngày gần đây nắng nóng gay gắt bà cảm thấy mệt, chán ăn nên ở nhà. “Vì nắng nóng nên ban đêm cả nhà nằm phòng điều hòa để 20 độ C cho mát, có thể khi ra ngoài chênh lệch nhiệt độ nên bà mới bị vậy” chị Xuân kể lại.

nang nong 4

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn đang thăm khám cho bệnh nhân

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sáng 4.7, bệnh nhân X. được đưa đến Khoa trong tình trạng hôn mê, các bác sỹ đã tiến hành đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở cho bệnh nhân trước khi đi chụp CT não vì định hướng có thể là một trường hợp đột quỵ não. Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân có ổ xuất huyết não rất lớn. Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp và không được kiểm soát tốt. Đối với những trường hợp bệnh nhân có tiền sử bệnh lý mạn tính, khi thời tiết nắng nóng hoặc có những thay đổi đột ngột về môi trường, tâm sinh lý sẽ rất dễ gây nên tình trạng xuất huyết não. Đặc biệt, có nhiều người bệnh đang từ phòng điều hòa có nhiệt độ mát khi ra ngoài vùng nhiệt độ nóng cần ra từ từ và chậm để cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ lớn.

TS. Tuấn cho biết cơ thể chúng ta có cơ chế giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh mức 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào cho nên nguy cơ tăng thân nhiệt do nắng nóng là rất cao. Bình thường cơ thể chúng ta có 2 cơ chế để điều tiết được thân nhiệt là dãn mạch dưới da và toát mồ hôi. Tuy nhiên dưới thời tiết nắng nóng, hai cơ chế đó đều ít hiệu quả, do đó nguy cơ tăng thân nhiệt là rất cao.

nang nong 1

Nhiều bệnh nhân được đưa vào cấp cứu vì sốc nhiệt do nắng nóng

Có 3 nhóm đối tượng mà chúng ta đặc biệt lưu ý: Thứ nhất là nhóm đối tượng bắt buộc phải làm việc ngoài trời khi thời tiết nắng nóng trong thời gian kéo dài; Thứ hai là nhóm đối tượng có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý về phổi... khi thay đổi thời tiết sẽ có nguy cơ tăng nặng hoặc có những biến chứng không thể lường trước được; Nhóm đối tượng thứ 3 có thể để ý đến là các cháu nhỏ chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng thì sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng.

Các bác sĩ cho biết bệnh nhân sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, hôn mê. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao đến 40-41 độ C, các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận sẽ bị ảnh hưởng và đặc biệt, các enzym trong cơ thể sẽ hạn chế, thậm chí ngừng hoạt động, dẫn đến hôn mê, co giật.

Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân: “Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng cách chườm khăn thấm nước mát vào cổ, nách, bẹn, lau người bằng nước mát để thân nhiệt bệnh nhân hạ xuống, sau đó nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá tình trạng. Lưu ý không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì thuốc hạ sốt trong trường hợp này không có giá trị”, BS Tuấn nói.

IMG 6879 1

Để ứng phó với nắng nóng, từ đầu mùa hè, Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai đã trang bị thêm rất nhiều quạt mát để phục vụ người dân

Theo các bác sĩ, trong những ngày nắng nóng, người dân nên đề phòng sốc nhiệt, say nắng bằng cách hạn chế ra đường vào giữa lúc nắng nóng từ 10 -15h trong ngày. Nếu phải ra đường thì cần đội mũ, mang ô, mặc đồ chống nắng. Người lao động ngoài trời ngoài việc mang đồ chống nắng thì cứ 1 tiếng làm việc lại vào nghỉ 5-10 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 1,5-2,5 lít nước/ngày.

Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau có tác dụng thanh nhiệt như nước chanh, cam, mướp đắng, lá dấp cá, rau má, nước dừa; Hạn chế các món ăn xào, rán mà nên luộc hoặc nấu canh, ăn nhiều cua, cá; Mặc quần áo vải bông thoáng rộng; Nên tắm khi đã ráo mồ hôi, sau khi tắm cũng không nên ra gió hay vào phòng có điều hòa ngay. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chúng ta chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa là 10 độ C. Trong thời tiết như hiện nay, nhiệt độ điều hòa trong phòng chỉ nên để ở mức 260C là phù hợp, không nên để quá thấp sẽ dễ gây sốc nhiệt khi ra ngoài.

Bài, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image