Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Cứu sống một nam thanh niên bị ngừng tim đột ngột

Theo thông tin từ Khoa cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân vừa được cứu sống bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sau hơn 6h ngừng tuần hoàn.

Bn Tai

TS Nguyễn Văn Chi (áo blue trắng) và BS Nguyễn Tấn Đạt (áo xanh) hỏi thăm tình hình sức khỏe của BN sáng ngày 13/2

Bệnh nhân Sằm Văn T, nam, 39 tuổi (quê Vị Xuyên, Hà Giang) được Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên, Hà Giang chuyển tới Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai lúc 4h40 phút sáng ngày 9/2/2017 với chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh.

Trước đó, khoảng 22h30 phút ngày 8/2/2017, bệnh nhân đột ngột ngừng thở, ngừng tim, được người thân nhanh chóng đưa vào bệnh viện huyện Vị Xuyên. Sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực và dùng thuốc vận mạch liều cao, bệnh nhân đã hồi phục nhịp tim, huyết áp nhưng vẫn hôn mê sâu, đồng tử giãn to, nên được chuyển đến  khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai sau gần 6 tiếng đồng hồ di chuyển ngay trong đêm.

Bn Tài 1

BN Sằm Văn T đã hồi phục ngoạn mục bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt sau hơn 6h ngừng tuần hoàn

Tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được hồi sức tích cực và sau khi được hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Sau 3 ngày kết thúc liệu trình điều trị, bệnh nhân đã có thể tự thở, có ý thức, nhận ra được người thân. Sau 4 ngày, bệnh nhân đã có thể giao tiếp, sức khỏe ổn định.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Nguyễn Tấn Đạt, khoa Cấp cứu A9 cho biết, đây là trường hợp được cứu sống hết sức hy hữu. Khi nhập viện bệnh nhân được tiên lượng rất xấu do hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài, tuy nhiên sau đó bệnh nhân đã dần hồi phục.

Bn Tài 3

Anh T. đã hồi phục trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình và các thầy thuốc khoa A9

TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 cho biết, Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên của cả nước triển khai kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Kỹ thuật này cho phép hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống mức 33-36 độ C (ở người bình thường thân nhiệt là 36,5 - 37 độ) giúp giảm chuyển hoá cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hoá tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan. Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục. Đã có nhiều bệnh nhân ngừng tim được cứu sống ngoạn mục nhờ kỹ thuật này.

Tin, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image