Theo các chuyên gia, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là những loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Đặc biệt, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ trên toàn thế giới. Làm sao để phòng ngừa?
Để phát hiện ung thư cổ tử cung và ung thư vú thì việc sàng lọc phát hiện sớm là việc làm không thể thiếu.
Phát hiện sớm, bệnh có thể khỏi hoàn toàn
GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là các bệnh hay gặp ở nữ giới. Trước kia, khi mắc hai loại ung thư này, tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả ung thư ra đời. Điều này giúp tỷ lệ phát hiện sớm hai loại ung thư nói trên đã tăng lên đáng kể. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, không riêng gì ung thư vú và ung thư cổ tử cung, chi phí để chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư là một gánh nặng thực sự đối với bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn và điều trị ở giai đoạn muộn thì chi phí đó sẽ tăng lên gấp nhiều lần nhưng hiệu quả điều trị lại thấp, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng cuộc sống của người bệnh thấp và ảnh hưởng tới lớn tới kinh tế hộ gia đình của bệnh nhân ung thư...
Theo đó, cách quan trọng nhất để giảm gánh nặng bệnh tật, giảm chi phí chẩn đoán, điều trị ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và ít làm ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình người bệnh thì việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư là việc làm cần thiết.
Vị chuyên gia đầu ngành về ung bướu lấy dẫn chứng, hiện nay ở rất nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... người ta thấy hàng năm tỷ lệ phát hiện sớm các bệnh ung thư nói chung và ung thư vú, ung thư cổ tử cung nói riêng tăng lên nhưng tỷ lệ chết ở nhiều loại ung thư không những không tăng mà còn giảm. Ví dụ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp...
Sở dĩ có được kết quả như vậy là vì ở các nước đó có chương trình sàng lọc sớm ung thư sâu rộng trong cộng đồng. Và người dân trong cộng đồng rất có ý thức trong việc khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc sớm ung thư. Bên cạnh đó, có rất nhiều các kỹ thuật mới và hiện đại để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh ung thư.
Sàng lọc là điều kiện tiên quyết
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, muốn điều trị có kết quả, thậm chí là chữa khỏi ung thư vú, ung thư cổ tử cung, điều quan trọng nhất là bệnh cần phải được phát hiện sớm. Nếu được phát hiện sớm thì nhiều bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Trong đó, để phát hiện ung thư cổ tử cung và ung thư vú thì việc sàng lọc phát hiện sớm là việc làm không thể thiếu. "Mỗi người dân trong cộng đồng cần ý thức rõ rằng việc tự giác khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc sớm ung thư là việc của chính mình", GS Khoa nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này tư vấn, đối với ung thư vú, việc sàng lọc sớm nên được tiến hành đều đặn với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, những phụ nữ trong gia đình có tiền sử mắc bệnh (mẹ, dì... bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung)... Chị em nên tự khám vú tại nhà ít nhất một tháng một lần; 6 tháng một lần đi khám sàng lọc tại bác sĩ chuyên khoa, siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú.
Đối với ung thư cổ tử cung, việc sàng lọc sớm cũng nên được tiến hành đều đặn với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, những phụ nữ quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, sinh nở muộn... Bằng cách khám sàng lọc tại bác sĩ chuyên khoa, xét nghiệm tế bào cổ tử cung và xét nghiệm virus HPV.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, nhất là ung thư vú và ung thư cổ tử cung, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng), trong đó, mở rộng chú trọng về dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng. Tiếp đó, ngày 16/8/2019, Bộ Y tế đã có QĐ 3619/QĐ-BYT Phê duyệt Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030.
Theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế - đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án thử nghiệm, mục tiêu của Dự án là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ dự phòng sàng lọc, phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần giảm nhanh gánh nặng ngân sách nhà nước.
ThS.BS Phạm Hồng Quân cho biết: Các chỉ báo cần đạt được đến năm 2025 tại địa bàn triển khai Dự án thử nghiệm như: Ít nhất 90% người dân có nhu cầu được cung cấp kiến thức về nguy cơ và dự phòng ung thư vú, ung thư cổ tử cung; ít nhất 30% số phụ nữ trên 40 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư vú phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường và ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.
Dinh dưỡng không hợp lý khiến chị em dễ mắc ung thư vú
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc ung thư vú là do các bữa ăn không cân đối, thiếu rau xanh, quả chín (thiếu chất xơ và các chất chống oxy hóa, các vitamin khoáng chất). Bên cạnh đó, nhiều chị em có thói quen ăn các thực phẩm rán nướng ở nhiệt độ cao thường có nhiều chất béo thể đồng phân kèm theo các chất gây ung thư. Hơn nữa, việc uống rượu bia không kiểm soát, sống trong môi trường độc hại, ăn các thực phẩm không an toàn chứa nhiều hóa chất… sẽ làm cho tế bào cơ thể bị già hóa gây tổn thương nhân tế bào và dẫn đến xuất hiện bệnh ung thư vú.
Nguồn: http://giadinh.net.vn