Ngày 10/7, trong căn phòng giao ban nhỏ của Phòng Q3B, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra một điều vô cùng lớn lao, đong đầy yêu thương, đó là buổi lễ chúc mừng người bệnh được hồi sinh từ cửa tử trở về đoàn tụ với gia đình. Hồi tưởng lại 20 ngày trước, ông Nguyễn Trường Lưu, tiền sử có bệnh lý tim mạch xuất hiện mệt nặng sau từ đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên. Gia đình đưa ông Lưu đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Vừa đến cửa Khoa Cấp cứu, ông Lưu đã lên cơn ngừng tim và lập tức được các các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu, Viện Gang thép Thái Nguyên tiến hành hồi sức tim phổi, hỗ trợ hô hấp, đồng thời xin hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai.
Hội chẩn chớp nhoáng và những quyết sách chỉ trong tích tắc. Ép tim 30 phút, shock điện 14-15 lần, mọi cố gắng của các bác sĩ gần như đi vào ngõ cụt, người bệnh chỉ còn 0,01% hy vọng. Gia đình người bệnh đánh giá “chồng tôi chết tại chỗ rồi”. Vậy nhưng bằng sự nỗ lực cao nhất, quyết tâm không buông tay của các bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên và Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Trường Lưu đã trở lại cuộc sống một cách ngoạn mục.
Gia đình người bệnh tặng hoa cảm ơn bác sĩ 2 viện
Diễn biến chi tiết của quá trình cấp cứu điều trị, xin vui lòng xem link dưới đây:
PGS. TS. Nguyễn Văn Chi tâm sự: Hôm nay, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ chúc mừng bệnh nhân ra viện. Chúng tôi rất vui, niềm vui của người bệnh cũng là niềm vui của chúng tôi, bởi chúng tôi đã làm được nhiệm vụ: đưa người bệnh trở lại cuộc sống. Xem lại quá trình vào viện của người bệnh Lưu, ngay từ khi ở trên Bệnh viện Gang thép Thái nguyên, phải nói các bác sĩ của bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã rất nỗ lực. Khi vào đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, bệnh nhân Lưu đã ngừng tim và kíp bác sĩ đã khởi động dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn khá là khó khăn, 30 phút tim mới đập lại đồng thời kết nối xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai. Trên con đường chuyển đến với Bạch Mai, bệnh nhân Lưu vẫn đang trong tình trạng mất huyết động và được đưa vào Phòng Cấp cứu 3 là Phòng Cấp cứu Hồi sức tích cực của Khoa Cấp cứu A9 Bạch Mai. Các bác sĩ của khoa đã nỗ lực kiểm soát huyết động cho bệnh nhân ổn định rồi chuyển sang Viện Tim mạch để can thiệp. Dây chuyền chuyên môn nội viện đã được phối hợp rất ăn ý và nhịp nhàng. Sau can thiệp, bệnh nhân lại được chuyển tiếp lên Khoa Hồi sức tích cực để hoàn thành nốt phần hồi sức sau can thiệp. Do đó đây là kết quả rất vui của tập thể bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. PGS.TS. Chi chúc bệnh nhân Lưu ra viện may mắn, phục hồi sức khỏe và sử dụng thuốc theo đúng quy định của thày tim mạch. Ông hóm hỉnh nói, có lẽ bệnh nhân Trường Lưu nên là Trường Thọ mới đúng.
PGS.TS. Chi chia sẻ thêm: 10 năm qua người bệnh đã được hưởng các dịch vụ y tế và các kỹ thuật rất cao của Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi xem lại con số những bệnh nhân có triệu chứng giống anh Trường Lưu thì chỉ trong một năm, Khoa Cấp cứu đã cứu chữa khoảng vài chục ca tương tự. Bệnh nhân đến vì nhồi máu cơ tim, ngừng tim. Cấp cứu ngừng tuần hoàn ổn định, chúng tôi kết nối với chỗ PGS. Phạm Mạnh Hùng, Tim mạch để mở phòng can thiệp - mở thông điểm tắc rồi đưa quay lại Khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức tích cực để làm nốt phần hồi sức... Sơ cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim dẫn đến ngừng tuần hoàn đã trở thành kỹ thuật thường quy mà chúng tôi vẫn thực hiện để cứu chữa rất nhiều người bệnh.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - người trực tiếp can thiệp tim mạch cho bệnh nhân Lưu nhấn mạnh: Có được thành công hôm nay cho người bệnh, đó là nhờ sự phối hợp chuyên môn nhịp nhàng, ăn ý để có các quyết sách kịp thời trong những giây phút sinh tử . Nhờ có sự phối hợp giữa Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, công tác tiếp nhận cấp cứu của Khoa Cấp cứu A9, Khoa Hồi sức tích cực đã quyết định quá trình cứu sống người bệnh. Viện Tim mạch là một trong mắt xích tạo nên kết quả thành công ngày hôm nay, đó là chúng tôi giúp thông động mạch vành . Đây là kết quả của sức mạnh tập thể. Thay mặt Viện Tim mạch, PGS.TS. Mạnh Hùng chúc người bệnh Trường Lưu tiếp tục Trường Lưu, mạnh khỏe và nhớ uống thuốc đều. Bởi lẽ, bệnh nhân Lưu đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng bệnh lý nền về tim mạch thì cần thuốc men đầy đủ, thay đổi lối sống.
Thay mặt Bv Bạch Mai, PGS. TS. Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng người bệnh được khỏe mạnh trở về đoàn tụ với gia đình
Nhấn mạnh về việc phối hợp chuyên môn giữa các bệnh viện, Ths. Phạm Thế Thạch, Phó khoa Hồi sức tích cực Bạch Mai cho biết: Việc ngừng tim ở tuyến cơ sở thì yếu tố then chốt và vô cùng quan trọng là bác sĩ phải cấp cứu tốt. Để người bệnh Trường Lưu được tỉnh táo như ngày hôm nay, phải nhờ đến công tác cấp cứu ban đầu của Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên đã làm rất tốt. Các bác sĩ thực hiện ép tim rất chuẩn nên sau 30 phút ngừng tim mà trí não của người bệnh không bị ảnh hưởng, chức năng thần kinh phục hồi rất tốt. Tiếp đến là có sự phối hợp giữa các tuyến tốt. Tuy là rất xa, nhưng chúng ta đã có sự phối hợp rất tốt giữa tuyến ban đầu và tuyến chuyên sâu về các kỹ thuật chuyên sâu của hồi sức cấp cứu như Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não của Khoa Cấp cứu A9; Can thiệp mạch tại Viện Tim mạch, bởi nếu chúng ta không mở được mạch thì tim sẽ suy tiếp; Sau can thiệp tim mạch thì vẫn là một quá trình hồi sức cũng như chăm sóc toàn diện của các điều dưỡng. Việc bệnh nhân Trường Lưu được hồi phục gần như hoàn toàn như hôm nay, đó là sự nỗ lực không chỉ của một người mà là sự nỗ lực của toàn hệ thống y tế, từ y tế cơ sở, y tế ban đầu, y tế chuyên sâu... Qua việc này, tôi mong người dân hãy tin tưởng vào cơ sở y tế ban đầu, bởi lẽ khi người bệnh đi thẳng từ nhà lên y tế chuyên sâu, nhiều khi lại bị tử vong ngay trên đường. Vì vậy thay vì đi thẳng lên tuyến trên, người bệnh cần tin tưởng vào tuyến cơ sở để hồi sức ban đầu rồi các bác sĩ tuyến cơ sở sẽ kết nối chuyên môn với tuyến trên và vận chuyển người bệnh an toàn đến tuyến cao hơn để được cứu chữa hiệu quả.
BSCKII. Nguyễn Hữu Trung tặng hoa cảm ơn các thầy cô Bệnh viện Bạch Mai
BSCKII. Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện Gang thép (BVGT) Thái Nguyên, người xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết: BVGT là bệnh viện tuyến tỉnh hạng II của Thái Nguyên. Từ trước đến nay đã có rất nhiều thế hệ là học trò của các thầy của Bệnh viện Bạch Mai, từ sinh viên đến học viên sau đại học và các khóa học theo Đề án 1816. Chuyển biết rõ nét nhất từ năm 2017, BVGT được tham gia đề án là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện hạt nhân Bạch Mai. Các gói đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên ngành Tim mạch, Hồi sức tích cức, Cấp cứu là hệ quả điển hình cho sự kiện bệnh nhân Trường Lưu được hồi sinh từ cửa tử. Điều đó đã minh chứng cho việc thành công của các thầy BVBM trong vai trò là người đào tạo chuyển giao và nhân viên y tế của BVGT trong vai trò là người được đào tạo và tiếp nhận kiến thức kỹ thuât từ các thầy. Sự kiện này cũng chứng minh những giá trị thiết thực và hiệu quả của việc phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến, sự trợ giúp từ xa của các bệnh viện đầu ngành đối với bệnh viện tuyến trước. Thay mặt cho BVGT, BSCK II. Nguyễn Hữu Trung cám ơn những người thầy của BVBM đã dạy dỗ, chia sẻ kinh nghiệm và luôn đồng hành cùng các thế hệ cán bộ viên chức BVGT.
Vào viện ngừng tuần hoàn, chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai trên phương nằm ngang trong tình trạng hết sức nguy kịch, ngày hôm nay, ông Nguyễn Trường Lưu sải bước trên đôi chân của mình để trở về đoàn tụ với gia đình quả là niềm vui vô bờ bến đối với gia đình ông cũng như tập thể các bác sĩ đã tham gia điều trị cho ông. Nghẹn ngào phát biểu trong buổi lễ chia tay: Ông Lưu cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên và Bệnh viện Bạch Mai đã sinh ra ông lần thứ hai. "Đến hôm nay, cơ thể cũng đã ổn định, tôi cũng xin hứa với các bác sĩ sẽ duy trì cuộc sống sau này tốt đẹp và uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ. Tôi chúc các sĩ thật nhiều sức khỏe để chăm sóc người bệnh"....
Bài: Đỗ Hằng; Ảnh: Thành Dương