Đó là chia sẻ của TS. Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai tại Hội nghị khoa học tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai – Đại học Nagoya Nhật Bản lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội sáng nay, ngày 14/9/2019.
Nhóm bệnh viêm ruột mạn tính gồm 2 bệnh chính là viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây nhóm bệnh này đang có xu hướng gia tăng. Theo TS. Vũ Trường Khanh: Cách đây 20 năm số lượng bệnh nhân đến không nhiều và bệnh cũng không quá nặng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng có bệnh nhân điều trị nội trú, chưa kể số lượng điều trị ngoại trú rất nhiều.
Đối với bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn có 2 đỉnh tuổi. Đỉnh tuổi rất trẻ là 17,19 đến 25 tuổi. Đỉnh tuổi này hay gặp nhất. Đặc biệt là bệnh Crohn gây ra biến chững gần như “tàn tật” đường tiêu hóa bởi có những người rò ruột, dính ruột, thủng ruột, sau đó bị đi bị lại, không thể làm gì được. Bệnh nhân phải đến với chúng tôi quá nhiều lần. Đỉnh tuổi thứ hai là vào 50,55 đến 60 tuổi. Bệnh khi xuất hiện ở đỉnh tuổi thứ 2 thường không quá nặng như ở đỉnh tuổi thứ nhất.
Theo bác sĩ, nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh viêm ruột mạn tính hiện nay có liên quan đến môi trường sống như thức ăn, môi trường vi sinh vật trong ruột. Nếu như trước đây chúng ta ăn thức ăn truyền thống, nhiều rau, nhiều chất xơ thì ngày nay chúng ta ăn ít rau và chất xơ, nhiều chất đạm. Thức ăn thay đổi dẫn đến các vi sinh vật trong ruột cũng thay đổi theo. Thứ 2 là loại thức ăn ngày nay cũng khác so với thức ăn truyền thống. Do đó người ta cho rằng sự thay đổi về môi trường, tương tác với cơ thể người bệnh là điều kiện thuận lợi để sinh ra bệnh này.
Bệnh viêm ruột mạn tính là bệnh tồn tại dai dẳng, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Việc điều trị cũng rất khó khăn vì nó liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Trên thế giới người ta đã sử dụng thuốc sinh học cho những mặt bệnh này từ rất lâu và Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đã triển khai sử dụng cho bệnh nhân. Ưu điểm của thuốc sinh học là bệnh nhân đạt được lui bệnh với điều trị ít tác dụng phụ, tuy nhiên giá thành của nó còn cao so với thu nhập của người dân Việt Nam. Tính trung bình, một năm người bệnh nếu dùng thuốc thì phải chi trả trên 100 triệu (ngoài 50% đã được BHYT thanh toán).
Thuốc sinh học được chứng minh là rất tốt và trong lâm sang cho thấy với những ca thất bại trong điều trị các thuốc khác thì thuốc sinh học là “cứu cánh”. Với những lỗ rò nếu sử dụng thuốc sinh học thì sẽ nhanh liền hơn, tổn thương ở đại tràng, ruột non sẽ giảm nhanh, đặc biệt các rò quanh hậu môn, trực tràng, hoặc đối với người trẻ tuổi mà bệnh rất nặng thì việc sử dụng thuốc sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao, đôi khi có thể tránh được việc phải phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc sinh học có một nhược điểm là khi ta cắt thuốc thì nó lại tái phát và phải điều trị lâu dài.
Hội nghị khoa học tiêu hóa BV Bạch Mai – Đại học Nagoya lần thứ 7 là hoạt động thường niên, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa bệnh viện Bạch Mai và Đại học Nagoya Nhật Bản trong nhiều năm nay.
Khác với mọi năm, Hội nghị năm nay sẽ chia làm 2 phần: một phần cho bác sĩ và một phần cho điều dưỡng. Phần của điều dưỡng chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực: chăm sóc người bệnh bởi ngay cả ở các nước phát triển, các sai sót tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng khi xảy ra thì lại để lại hậu quả đôi khi rất nghiêm trọng. Với điều dưỡng chuyên ngành tiêu hóa còn có đặc thù là phải chuẩn bị, hướng dẫn cho người bệnh chu đáo, an toàn trước khi thực hiện thủ thuật.
Đối với bác sĩ cũng có 2 phần: buổi sáng là các bài giảng lý thuyết và buổi chiều là phần thực hành. Trong phần lý thuyết, năm nay tập trung vào một số lĩnh vực còn ít kinh nghiệm ở Việt Nam như những bệnh tự miễn trong chuyên ngành tiêu hóa (viêm tụy tự miễn, viêm gan tự miễn). Số lượng ca bệnh đâu đó còn rất nhỏ ở Việt Nam, trong khi đó ở các nước phát triển, hay Nhật Bản, số lượng bệnh nhân này rất nhiều. Rồi một số bệnh khác như bệnh viêm thực quản do tăng bạch cầu ưa acid, …là những bệnh liên quan đến cơ chế tự miễn của cơ thể.
Bài: Mai Thanh/ Ảnh: Thành Dương