Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

“Cánh tay thứ ba” của bác sĩ phẫu thuật thần kinh và khớp

Được ví như cánh tay thứ ba của các bác sĩ phẫu thuật, việc ứng dụng hệ thống robot hiện đại nhất thế giới trong phẫu thuật khớp và thần kinh tại Bệnh viện Bạch Mai đã giúp hàng trăm ca bệnh khó được chữa trị thành công với chi phí chỉ bằng 1/10 so với ra nước ngoài phẫu thuật.

Một ca phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bạch Mai.

Việt Nam là nước đi đầu Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới khi sở hữu hệ thống robot thay khớp và phẫu thuật thần kinh tiên tiến nhất hiện nay. Tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống robot này đã giúp cho hàng trăm bệnh nhân có cơ hội tìm lại cuộc sống bình thường mà trước đây, họ chỉ có cách chịu chi phí tốn kém để ra nước ngoài hoặc chấp nhận sống chung với bệnh tật.

10 năm chỉ mơ ước được đi lại

Ở tuổi 41, chị Lê Thị Hải Y. không thể nghĩ, sau 15 năm mình lại có thể đi lại bình thường. 15 năm trước, sau khi bị chấn thương cột sống, mọi vận động đi lại gần như ngưng trệ. Hai chân chị gần như phải lết, chỉ đi 5m có dấu hiệu tê cứng hai chân. Không có chi phí hàng trăm triệu ra nước ngoài phẫu thuật, may mắn nhờ có hệ thống phẫu thuật bằng robot, chị đã tìm lại được cuộc sống tươi đẹp của mình.

Không chỉ chị Y may mắn như thế, mà có hàng trăm bệnh nhân cũng tìm lại được sự vận động bình thường hàng ngày nhờ phẫu thuật bằng robot. TS Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình và Cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm 2017, khoa đã sử dụng kỹ thuật phẫu thuật bằng robot điều trị cho gần 300 ca. Riêng về phẫu thuật thay khớp bằng robot, khoa đã điều trị thành công cho gần 100 ca. Nhờ hệ thống robot này, các đối tượng bị thoái hóa khớp gối tiên phát, khớp tổn thương phần sụn không thể hồi phục, tổn thương một phần khớp gối… đã có thể điều trị thành công với tỷ lệ hồi phục rất sớm.

Ở lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, “cánh tay thứ ba” đã giúp các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật ở vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận.

Bệnh nhân Phạm Văn H. (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) từng đi mổ do u tuyến yên bằng phương pháp cũ nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Một năm trước, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng Robot và đến nay, bệnh tình của bác H rất ổn định. Đó là những kỳ diệu mà phẫu thuật bằng Robot mang lại cho người bệnh. “Sau một năm được mổ bằng Robot, đường xông khô không có dịch, mọi vận động bình thường và sức khỏe tiến triển rất tốt” – bệnh nhân H cho biết.

Cũng thực hiện phẫu thuật thần kinh, bệnh nhân Lê Hồng C. (Ninh Bình) cho biết, ông quá hạnh phúc khi phẫu thuật bằng robot, giúp ông chỉ sau hai ngày sau mổ đi lại bình thường, nhận biết được toàn bộ chung quanh và đặc biệt vết mổ rất nhỏ.

PGS.TS Nguyễn Thế Hào, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng phẫu thuật robot thành công với những bệnh lý parkinson, nội soi u nền sọ, u não thất, u thân não, động kinh, sinh thiết u não. “Ngoài ưu điểm định vị chính xác, robot còn lập trình cuộc mổ và tham gia vào quá trình mổ bằng cánh tay của robot” – PGS Nguyễn Thế Hào cho biết.

Chi phí chỉ bằng 1/10 so với nước ngoài

GS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nhờ ứng dụng hệ thống Robot phẫu thuật Mako và Rosa hiện đại nhất tại Mỹ vào phẫu thuật khớp và thần kinh, nhiều người bệnh được cứu sống mà trước kia các bác sĩ cũng bó tay với chi phí ước tính chỉ bằng 1/8 đến 1/10 so với ra nước ngoài.

Hệ thống robot này cho phép phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến các mô lành chung quanh, mất máu ít, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau phục hồi.

Việc thay phẫu thuật bằng robot có độ chính xác gấp ba lần so với thay khớp gối bằng tay và cho phép mổ nội soi những ca bệnh thần kinh khó, đòi hỏi độ chính xác cao.

Nhờ hệ thống chụp dẫn đường không gian ba chiều định vị chính xác, trong phẫu thuật tổn thương cột sống, hình ảnh không gian 3D cao sẽ giúp bác sĩ định vị chính xác vị trí cần can thiệp cột sống, tránh ảnh hưởng tới tổ chức chung quanh. Độ chính xác về bắt vít cột sống từ 93% đến 100%, giảm biến chứng phẫu thuật, giảm tiếp xúc với bức xạ cho bệnh nhân phẫu thuật viên cũng như tăng độ chính xác và tăng độ hồi phục cho người bệnh.

Ngoài kỹ thuật mới phẫu thuật bằng robot trong phẫu thuật thần kinh, thay khớp háng, khớp gối bán phần, năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có 62 quy trình kỹ thuật mới, chuyên sâu trong đó có những kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tại Việt Nam điều trị bệnh cột sống bằng hệ thống O-arm; Phẫu thuật đóng đinh xương đùi, xương chày dưới C-arm; Xét nghiệm sinh học phân tử trong sàng lọc, chẩn đoán ung thư; Điều trị bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp…

Nguồn Nhandan.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image