Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Câu lạc bộ Bệnh nhân lọc máu chu kỳ với chủ đề Chế độ dinh dưỡng ngày Tết

Chiều 14/1/2016, tại Hội trường Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân Lọc máu chu kỳ tháng 1/2016 do Phòng Công tác Xã hội, Khoa Thận nhân tạo và nhóm Sen Xanh phối hợp tổ chức.

sen_xanh_14.1_6.jpg

Nội dung chương trình gồm 3 phần:

  1. Tư vấn chuyên môn: TS. BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo đã dành 30 phút để tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt ngày Tết an toàn đối với các bệnh nhân lọc máu chu kỳ.
  2. Trao tặng quà: Đại diện nhóm Sen Xanh trao 44 phần quà cho bệnh nhân đang lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo, tổng trị giá 13.200.000đ.
  3. Hoạt động Yoga cười: Tình nguyên viên Phạm Quốc Vinh nhân viên Khoa Dược dành 15 phút để hướng dẫn cho bệnh nhân thực hành và luyện tập các động tác cơ bản của Yoga cười.

sen_xanh_14.1_16.jpg

TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: “Hiện nay Khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai là khoa có số bệnh nhân chạy thận lớn nhất cả  nước. Với khoảng 100 máy và trên 80 nhân viên y tế trong khi bệnh nhân lên đến 650 người”. Trước đây do bận công tác chuyên môn, các ca chạy thận kín bưng cả lịch, Tết nhưng khoa vẫn đi làm như ngày thường, mỗi năm BS Dũng chỉ dành được 4 buổi (mỗi quý 1 buổi vào sáng chủ nhật) để gặp gỡ bệnh nhân và giải đáp các thắc mắc về chính sách BHYT, điều trị, dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt,… những vướng mắc của bệnh nhân chạy thận tại Khoa.  

Nhưng nay có sự đồng hành của phòng CTXH, các buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân được tổ chức định kỳ hàng tháng. Trong chương trình câu lạc bộ kỳ này, người bệnh được TS.BS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng và những đặc biệt lưu ý trong ngày Tết ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ: chế độ vận động, ngủ nghỉ phù hợp, những thông tin rất hữu ích cho người bệnh đang lọc máu, bao gồm:

  • Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn giảm các thành phần: muối, kali, phospho, đường, nước nhưng phải đủ protein. Do những ngày Tết bệnh nhân có sự thay đổi về thói quen sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ nên trước tiên cần nhắc lại và lưu ý để tránh các biến chứng đáng tiếc:
  • Đủ năng lượng: Ăn đủ lượng calo mỗi ngày sẽ giữ không giảm cân. Phân bố 30 - 35kcalo/ kg cân nặng/ ngày; lipit 20 - 30%, đạm 12%, đường 55 - 60%.
  • Đủ protein: Bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng nên tránh ăn quá mức các thức ăn chứa nhiều protein như thịt nạc, thịt gà, cá, trứng, tôm vì các thức ăn này sau khi được chuyển hóa sẽ sinh ure và creatinin. Hai chất này tăng nhanh trong máu sẽ gây độc cho cơ thể. Tăng ure máu quá cao và nhanh sẽ có nguy cơ bị hội chứng ure huyết cao với các triệu chứng như đau đầu, nôn, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy... Lượng creatinin cao trong máu cũng cần loại bỏ nhanh bằng lọc máu nhân tạo (thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng), vì vậy, cần tránh tăng chất này bằng việc hạn chế ăn thịt, cá, trứng.... Nhu cầu đầy đủ như sau: Chạy thận 1 lần/1 tuần số lượng đạm là: 1g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày. Chạy thận 2 lần/1 tuần số lượng đạm là: 1,2g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày. Chạy thận 3 lần/1 tuần số lượng đạm là: 1,4g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày. Trong đó: Protein động vật  ≥ 50%. Ví dụ: Bệnh nhân cân nặng 50kg thì lượng đạm là: 1,2g x 50 = 60g/ngày (tương đương với 300 gram thịt bò tươi hoặc thịt heo tươi). Một số dấu hiệu thiếu hụt protein cần chú ý: tóc, móng khô, dễ gãy rụng; mất cơ, cơ bắp yếu; mất sự đàn hồi của da; thiếu máu; dễ nhiễm virus, nhiễm trùng do vi khuẩn. Hạn chế thức ăn chứa nhiều muối, nước: Hạn chế muối: ăn nhạt, khoảng 2g/ngày (1/3 muỗng café). Do thận suy, mất khả năng thải trừ muối qua nước tiểu nên khi bệnh nhân ăn nhiều muối sẽ tích nước gây phù, làm huyết áp tăng, phù phổi cấp, thậm chí có thể gây hội chứng tăng natri máu như đau đầu, nôn, mất nước và nặng hơn có thể hôn mê và tử vong. Mặt khác, khi ăn mặn, bệnh nhân sẽ phải uống nhiều nước, gây thừa nước trong cơ thể quá nhanh và phải chạy thận nhân tạo nhiều lần hơn. Tránh các thức ăn mặn như nước mắm, mì ăn liền, đồ hộp mặn, trứng muối, cá biển...
  • Đảm bảo cân bằng nước: Công thức được tính như sau lượng nước trong ngày = lượng nước tiểu 24h + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy,…) + 300 đến 500ml nước. Lượng nước uống mỗi ngày bao gồm tính cả lượng dịch truyền, lượng nước uống thuốc, uống canh và uống sữa. Một số dấu hiệu thừa muối: Khát nước, uống nhiều nước; phù, thở nhanh, khó thở; tăng cân nhiều giữa 2 kì lọc; tăng huyết áp khó kiểm soát.
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều phospho: Lượng dùng là 4 - 12mg/ ngày. Thức ăn chứa nhiều phospho làm tăng lượng phospho trong máu ở người suy thận giai đoạn cuối do thận đã mất khả năng đào thải phospho. Các thức ăn chứa nhiều phospho là các loại sản phẩm sản xuất sẵn như: sữa, đậu, ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc chưa xay giã kỹ như gạo lứt), cacao, chocola, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, coca cola, bia…Thịt bê, thịt bò tươi ít phospho hơn cá, gà, thịt heo. Một số dấu hiệu của rối loạn phospho: Khi phospho máu tăng dẫn đến tăng hoạt động tuyến cận giáp, làm huy động calci vào máu: biểu hiện ngứa, đau nhức xương, gãy xương bệnh lý, vôi hóa ngoài xương như vôi hóa mạch máu, khớp, mô quanh khớp, cơ tim, mắt, phổi. .. Bổ sung thêm canxi: Canxi là chất khoáng quan trọng giúp xương chắc khỏe. Nhu cầu là từ 1.4 đến 1.6g/ngày. Thực phẩm chứa nhiều canxi thường cũng chứa nhiều phospho. Cách tốt nhất là BN nên hạn chế ăn các thực phẩm này và uống thuốc bổ sung canxi, thuốc hạ phospho máu.
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều kali: Kali là một chất khoáng quan trọng cho hoạt động của tim và cơ. Quá nhiều Kali hoặc quá ít trong máu là vô cùng nguy hiểm. Ở BN suy thận mạn, thận nhân tạo chu kỳ Kali chủ yếu được thải ra khi BN lọc máu. Mức K+ trong máu: Từ 3.5 đến 5.0 là mức độ bình thường, từ 5.0 đến 6.0 vẫn ở mức an toàn, từ 6.0 đến 6.5 là mức độ cảnh báo và từ 6.5 trở lên là mức độ nguy hiểm. Biểu hiện: yếu cơ, liệt cơ, đau mỏi bắp tay bắp chân, chuột rút, buồn nôn, nôn; đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực; tụt huyết áp. Các thức ăn chứa nhiều Kali: các loại rau: rau muống, dền, mồng tơi, bắp cải, nấm rơm, củ cải trắng,…Trái cây như: cam, nho, chuối, bưởi, dâu, dừa, nhãn, chanh, mít, lựu, kiwi,…Các loại hạt khô như: đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, café, chocolate,… Nên ăn các loại trái cây các loại rau quả chứa ít K+ hơn: táo, thơm, lê, vú sữa, quýt, dưa hấu,…các loại rau như: bí đao, bí đỏ, bầu, susu, mướp,…Bổ sung các vitamin và khoáng chất: Cần bổ sung các vitamin như: C, B1, B6, B12, E, acid folic, sắt, kẽm, để chống thiếu máu.Không sử dụng rượu, bia, các đồ uống có ga, thuốc lá. Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn và liên hệ với bác sỹ điều trị khi có dấu hiệu bất thường.

sen_xanh_14.1_36.jpg

Bác Dương Thị Nhàn 53 tuổi, người có 20 năm chạy thận nhân tạo đã thay mặt cho các BN tham gia CLB lần này cảm ơn sự tận tâm của các cán bộ y bác sỹ, những món quà với cả tấm lòng của Nhóm Sen xanh. Chương trình CLB Bệnh nhân đã giúp cho chúng tôi có cơ hội được giao lưu, trò chuyện, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, không chỉ được tư vấn về sức khỏe, được quan tâm chia sẻ về chính sách mà còn được thư giãn với hoạt động yoga cười.

BSCKII. Phạm Thị Bích Mận Trưởng phòng Công tác xã hội BVBM chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chương trình CLB Bệnh nhân sẽ đem đến cho người bệnh những kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, để cùng với thầy thuốc hướng tới một kết quả điều trị cao và an toàn. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn sẵn lòng kết nối, đồng hành với các cá nhân, các tổ chức thiện nguyện và các nhà hảo tâm trong những hoạt động ý nghĩa này”.

Minh Hằng 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image