Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Câu lạc bộ bệnh nhân tại viện sức khỏe tâm thần

Chiều ngày 02/12/2015, tại Hội trường Viện Sức khỏe Tâm thần (VSKTT), Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) đã diễn ra chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân do Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức với chủ đề: "Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát". Đây là một trong số những hoạt động nằm trong kế hoạch truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân của Viện Sức khỏe Tâm Thần và Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai.

Với mục đích nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tâm thần, Th.S Nguyễn Doãn Phương – Phụ trách Viện Sức khỏe Tâm Thần chia sẻ “Nếu dựa vào bác sỹ thì kết quả điều trị tốt nhưng chưa đủ. Sự phối kết hợp giữa thầy thuốc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình điều trị là rất quan trọng và sẽ đem lại kết quả tốt nhất cho cả quá trình điều trị.”

Chương trình sinh hoạt gồm 3 nội dung chính: Nhận biết về “Rối loạn trầm cảm” của TS. Vũ Thy Cầm – Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng VSKTT; “ Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm” đặc biệt bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng tự sát của CN. Phạm Thị Thu Hiền - Điều dưỡng trưởng VSKTT; Tư vấn giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân của ThS. Nguyễn Doãn Phương – Phụ trách VSKTT.

Trầm cảm là bệnh lý rối loạn cảm xúc biểu hiện đặc trưng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, chỉ sau một sự cố gắng nhỏ, tồn tại trong một khoảng thời gian kéo dài ít nhất là hai tuần. (ICD-10)

Theo tài liệu của WHO năm 2000, trầm cảm là một trong bốn bệnh gây tổn hại hàng đầu và chi phí lớn nhất không kể tử vong. Dự kiến năm 2020 trầm cảm sẽ là nguyên nhân tàn phế thứ 2 trên thế giới. Tần suất của trầm cảm là 6-7% dân số. Diễn biến xấu nhất của trầm cảm là ý tưởng và hành vi tự sát

nh_2.jpg

Theo TS. Vũ Thy Cầm có 3 nguyên nhân chính gây ra trầm cảm: Nguyên nhân nội sinh (không tìm thấy rõ nguyên nhân), nguyên nhân ngoại sinh (sau bệnh lý khác mắc trầm cảm), nguyên nhân tâm sinh (sang chấn tâm lý trong gia đình, cộng đồng, xã hội,…). Những triệu chứng cơ bản của trầm cảm có thể nhầm lẫn với các bệnh của chuyên khoa khác và không ít những bệnh nhân đến VSKTT đã từng phải điều trị tại nhiều chuyên khoa khác ví dụ: đau lưng, đau cơ bắp bệnh nhân đến Khoa Cơ xương khớp; đau ngực, vùng trước tim BN đến chuyên khoa Tim Mạch; đau thượng vị BN đến Chuyên khoa Tiêu hóa, khó thở BN đến chuyên khoa hô hấp, thị lực giảm BN đến Chuyên khoa Mắt,… mà bệnh vẫn không ổn định.

Điều trị trầm cảm thời gian kéo dài hơn các bệnh lý khác: điều trị cấp: 6 – 12 tuần, điều trị tiếp tục: 4 – 9 tháng, điều trị duy trì: từ 1 năm trở lên. Để điều trị tốt cho một BN trầm cảm chúng ta cần thiết lập một mối quan hệ tốt giữa thầy thuốc, bệnh nhân – gia đình và nhân viên CTXH.

Về kỹ năng chăm sóc người bệnh trầm cảm, CN. Phạm Thị Thu Hiền chia sẻ: sự trợ giúp của gia đình và nhân viên tâm lý - xã hội rất quan trọng trong điều trị. Có 3 mức độ trầm cảm: trầm cảm nhẹ, vừa và nặng. BN trầm cảm nhẹ và vừa nên được chăm sóc như BN đã ổn định, không nên để BN 1 mình, cần tham gia các hoạt động nhẹ nhàng cùng gia đình, thường xuyên được gần gũi, tiếp xúc với mọi người trong gia đình. Với BN trầm cảm nặng: cần được thường xuyên theo dõi, giám sát, loại bỏ những vật sắc nhọn, dao kéo,…đặc biệt với những BN có ý tưởng hành vi tự sát cần được thông báo cho mọi người biết để cùng theo dõi, không nên giấu giếm. Khi đã điều trị ổn định được ra viện, BN cần được tiếp tục dùng thuốc theo đơn và tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ. Không tự ý uống thuốc mà không có sự theo dõi của thầy thuốc.

Trong phần giải đáp thắc mắc, Ths. Nguyễn Doãn Phương đã tư vấn cho BN: với những BN trầm cảm không kiểm soát được cảm xúc, người nhà nên cho BN sử dụng thuốc an thần sau đó đưa ngay tới BV. Nhiều BN và người nhà thắc mắc về vấn đề thời gian điều trị: BS.Phương trả lời BS mong muốn BN cùng cố gắng điều trị tại nhà, uống thuốc theo đơn, không bỏ thuốc, không sử dụng chất kích thích như: rượu, bia, thuốc, lá,… Theo BS Phương có rất nhiều nguyên nhân khiến BN bỏ thuốc trong quá trình điều trị duy trì tại gia đình do tâm lý: sợ tác dụng phụ của thuốc, tốn kém, không sinh được con, uống thuốc có hại cho cơ thể,…Điều đó thật sự không tốt cho việc duy trì hiệu quả điều trị.

nh_3.jpg

Anh T. Đ. T 46 tuổi là người nhà BN N. T. B điều trị tại Phòng 108 M4 VSKTT bày tỏ: “Chương trình thật ý nghĩa, được tư vấn những thông tin hữu ích về trầm cảm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Tôi rất cảm ơn BS Phương, BS Cầm, ĐD Hiền và các nhân viên y tế đã quan tâm, giúp đỡ và tạo cơ hội cho chúng tôi được tham gia hoạt động của CLB bệnh nhân. Tôi mong những chương trình như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.”

nh_s_4.jpg

CLB BN là hoạt động mang một ý nghĩa hết sức thiết thực không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân mà còn rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Trong thời gian tới Phòng CTXH và Viện Sức khỏe Tâm Thần sẽ cố gắng để duy trì và phối hợp tổ chức chương trình CLB bệnh nhân định kì mỗi tháng một lần.

nh_s_5.jpg

Chương trình thu hút sự tham gia của 50 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại VSKTT

Minh Hằng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image