Những mô hình điểm
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10-2008, Tổ CTXH sau này nâng lên thành Phòng CTXH của Bệnh viện Nhi T.Ư đang trở thành hình mẫu để nhân rộng ra các cơ sở khác. Hằng ngày, nhân viên CTXH của bệnh viện trực tiếp lên các khoa được phân công phụ trách thăm hỏi, động viên và tìm hiểu về các bệnh nhi mới trong diện chế độ chính sách, bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo để có hướng hỗ trợ khi cần thiết. Họ tham gia tư vấn cho người nhà bệnh nhân về phác đồ điều trị, thủ tục hành chính, trấn an tinh thần, giải tỏa những căng thẳng, bức xúc hay mâu thuẫn… và chắp nối nhu cầu của bệnh nhi nghèo tới các nhà hảo tâm.
Theo ThS. Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Nhi T.Ư, sau hơn bảy năm hoạt động, mỗi thành viên trong phòng đã trở thành cầu nối giữa người bệnh và cán bộ y tế, tích cực vận động xã hội chung tay góp phần chia sẻ để giúp người bệnh vơi đi nỗi đau bệnh tật, đem lại niềm vui, nụ cười cho người bệnh và gia đình. Rất nhiều bệnh nhi, người nhà bệnh nhân sau khi được nhân viên công tác xã hội tư vấn đã vui vẻ, tích cực hợp tác với bác sĩ điều trị, nghiêm túc tuân thủ y lệnh. Chính các bác sĩ cũng giảm được áp lực tâm lý, nhờ đó nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh.
Với một cơ sở trung bình mỗi ngày tiếp nhận 3.000 lượt bệnh nhi tới khám bệnh cũng như hơn 1.400 bệnh nhi nằm điều trị nội trú, trong đó có khoảng 200 đến 300 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn thì những sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội là rất đáng kể. Từ năm 2008 đến tháng 10-2015, Phòng đã kêu gọi tài trợ được hơn 86 tỷ đồng (gồm bữa ăn, quà và kinh phí điều trị) hỗ trợ bệnh nhi.
Không chỉ hỗ trợ bệnh nhân về vật chất, Phòng còn thường xuyên phối hợp với các nhóm tình nguyện tổ chức nhiều sự kiện vui chơi, biểu diễn nghệ thuật vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Giáng sinh… góp phần khích lệ tinh thần cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi, đồng thời duy trì hoạt động của lớp học Hy vọng; tổ chức vẽ tranh, đọc truyện tại phòng bệnh cho các bệnh nhi khoa Ung bướu, Huyết học, Thận, Thần kinh…
Mới được thành lập (tháng 4-2015), nhưng Phòng CTXH của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã đi vào hoạt động khá chuyên nghiệp. Hàng loạt các hoạt động đã được triển khai như giúp đỡ, hướng dẫn người bệnh là cầu nối thông tin các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; thông tin y học; hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; kết nối những trường hợp người bệnh gặp khó khăn với các cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước; cung cấp, tư vấn các thông tin cần thiết về chính sách hảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội…
Ðể giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, người nhà người bệnh đến khám, chữa bệnh cũng như giảm áp lực cho cán bộ y tế, hằng ngày từ 6 giờ 30 phút sáng, Phòng CTXH đều bố trí nhân viên trực tại năm quầy ở khu vực khám bệnh để giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh.
Qua những thông tin phản hồi của người bệnh, người nhà người bệnh cũng như của cán bộ y tế, hoạt động của Phòng CTXH của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Ðức trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đó cho thấy sự ra đời Phòng CTXH là hướng đi đúng đắn, nhằm đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh.
Hướng dẫn người bệnh tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai.
Tương tự, sau gần bảy tháng đi vào hoạt động, Phòng CTXH của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phát huy được vai trò là “nhịp cầu nối bờ yêu thương” giữa người bệnh với bác sĩ và giữa người bệnh với các nhà hảo tâm. Đến nay, phòng công tác xã hội đã thể hiện được vai trò của mình tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh và tổ chức từ thiện như phát cháo tình nguyện, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ bệnh nhân.
“Vị thế mới” của nhân viên công tác xã hội
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, tại các bệnh viện có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người bệnh, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... đã góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Các đơn vị CTXH này đã có nhiều hoạt động thiết thực như hưỡng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sĩ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân - bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh…
Mặc dù vậy, xét một cách tổng thế hiện nay CTXH chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự y tế. Trong khi đó, tại nhiều các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải; còn nhiều vấn đề cần giải quyết… nên rất cần vai trò của phòng CTXH cũng như những nhân viên CTXH.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của CTXH tại các bệnh viện, đồng thời để người làm CTXH có chức danh chuyên môn trong cơ cấu nhân sự y tế và trong tổ chức bộ máy của bệnh viện, ngày 26-11-2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 1-2016, được đánh giá sẽ xác lập “vị thế mới” của những người làm CTXH trong các bệnh viện.
Theo đó, nhiệm vụ CTXH của bệnh viện là hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như: đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh.
Tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh; xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện; hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động công tác xã hội cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh; hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh có chỉ định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc xuất viện; hỗ trợ thủ tục xuất viện; phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về CTXH của bệnh viện.
Các nhân viên làm CTXH tại bệnh viện phải có nhiệm vụ thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động tiếp nhận tài trợ để thực hiện hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân viên CTXH sẽ hỗ trợ nhân viên y tế tại các bệnh viện như: cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị; động viên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị…
Căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực, kinh phí và phạm vi hoạt động chuyên môn, giám đốc bệnh viện quyết định thành lập hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Phòng CTXH thuộc bệnh viện hoặc tổ CTXH thuộc Khoa khám bệnh hoặc Phòng điều dưỡng hoặc Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện. Phòng/tổ CTXH có trách nhiệm phối hợp các khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện thực hiện nhiệm vụ được giao…
Nguồn nhandan.com