*Diễn đàn “Môi trường với sức khỏe” trên Báo Sức khỏe&Đời sống số 128 ra ngày 10/8 có bài “Ăn hải sản ở vùng 20 hải lý: Nên hay không?” Trong đó nêu ý kiến các chuyên gia về nông nghiệp và môi trường xung quanh việc cá vùng ô nhiễm bị nhiễm chất cyanua và các chất nguy hại khác. Để làm rõ hơn chất cyanua cũng như các chất thải nguy hại khác như phenol..., ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào trong số báo này và các số báo tới, chúng tôi xin đi sâu phân tích cụ thể.
Cyanua là một trong những loại hóa chất được hơn 100 nhà khoa học Việt Nam và thế giới khẳng định là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung. Tuy nhiên, loại hóa chất này không chỉ được tìm thấy trong nước biển mà còn xuất hiện tại các bãi khai thác vàng và rất có thể nó có cả ở những khu chôn lấp hàng trăm mét khối chất thải ở Hà Tĩnh...
Thực tế là hàng ngày, hàng giờ tại các bãi khai thác vàng trên cả nước, việc sử dụng cyanua (hóa chất nguy hiểm) để chiết tách vàng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nước ở các khu vực đó là rất lớn, điều này sẽ ảnh hưởng sức khỏe người dân địa phương. Việc tìm hiểu loại hóa chất nào đang tồn tại trong đất, nước biển hay môi trường... vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc về những ảnh hưởng của cyanua tới sức khỏe như thế nào.
Hàng trăm tấn chất thải độc hại của Formosa mà Công ty Môi trường, đô thị Kỳ Anh chôn lấp đến nay vẫn chưa xác định được mức độ gây ô nhiễm môi trường!?.
Tại sao cyanua được coi là chất kịch độc?
ThS. Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tài liệu chống độc nâng cao của mình, cyanua là hóa chất cực độc, được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của cyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc. ThS. Nguyên cho rằng, người lớn tiếp xúc với các muối cyanua với liều 200mg hoặc 50mg acid hydrocyanic sẽ gây tử vong. Với kali hoặc natri cyanua, liều gây tử vong thấp nhất đã tìm thấy là 3mg/kg. Nồng độ hydro cyanua trong không khí từ 110ppm trong 30 phút có thể gây tử vong cho người.
Cyanua là một hóa chất thường dùng trong công nghiệp, tuy nhiên, nó cũng xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm người dân thường dùng như măng hay sắn. Ngộ độc cyanua do ăn măng hoặc sắn chế biến không đúng cách phổ biến hơn. Hiện nay, với vấn đề ô nhiễm biển, ô nhiễm ở các bãi khai thác vàng và việc xử lý chất thải công nghiệp nguy hại không đúng... đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe của người dân.
Mặc dù ngộ độc cyanua ít gặp nhưng nếu bệnh nhân nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn cyanua như những người làm việc ở các bãi khai thác vàng - nơi cyanua được sử dụng để chiết tách vàng, những người là lính cứu hỏa làm việc trong đám cháy hay thợ lặn ở những khu vực ô nhiễm cyanua, hoặc những người làm nghề nhuộm, in, đánh bắt cá bằng hóa chất hay nghề sơn móng tay... đều có nguy cơ nhiễm chất độc này.
Ví dụ về nghề nghiệp kèm với nguồn nhiễm độc cyanua
Người bị nhiễm cyanua cần đưa đến cơ sở y tế cấp cứu
Cyanua có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da và mắt. PGS.TS. Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 3 nguồn chính có thể khiến người nhiễm độc cyanua là: 1) Hydrogen cyanide dang khí và dạng dung dịch; 2) Các muối cyanide vô cơ (ví dụ kalium, sodium hay calcium cyanide thường ở dạng tinh thể và dễ dàng hòa tan trong nước); khi các muối này gặp các axít hoặc gặp nước sẽ hình thành và giải phóng khí hydrogen cyanide (HCN) vào không khí và trở thành nguồn khí độc nguy hiểm; 3) các hợp chất tự nhiên hoặc tổng hợp có chứa cyanide (cyanogens) sẽ giải phóng cyanide hoặc chuyển hóa thành cyanide sau khi được hấp thu vào cơ thể.
Các nguồn gây các vụ nhiễm độc cyanua đã gặp trong thực tế và được thống kê trong y văn có (xem trên).
Từ các nguồn như trên mà thực tế dạng nhiễm độc hay gặp và nguy hại nhất là qua đường thở do hít phải HCN, kế đó là qua đường tiêu hóa. Khi ngộ độc cyanua, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi tay chân, đi không vững... nặng dẫn đến co giật, tụt huyết áp, tăng nhịp tim, suy hô hấp, có thể dẫn đến hôn mê. Đó là do cyanua ức chế hô hấp tế bào gây thiếu ôxy tế bào, khi thiếu ôxy não gây hôn mê, co giật, thiếu ôxy cơ tim gây tụt huyết áp...
PGS. Duệ cũng cho biết, một khi bị ngộ độc do cyanua, người dân không thể tự xử lý mà phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực và dùng thuốc giải độc. Sở dĩ cyanua được coi là chất rất độc vì chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể làm chết người, PGS. Duệ nói. Liều tử vong của HCN dạng dung dịch qua đường tiêu hóa là 50mg. Liều tử vong của KCN và NaCN là khoảng 200 - 200mg (0,2-0,3gr).
Một trong những biện pháp mà người dân cần lưu ý khi đưa người bệnh nghi ngờ nhiễm cyanua đi cấp cứu là cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng an toàn (nửa người dưới nằm sấp, mặt nghiêng sang 1 bên) khi bệnh nhân bị co giật, không để bệnh nhân ngã, không dùng các vật cứng cho vào miệng nạn nhân co giật, có thể tạm thời đặt khăn gấp hoặc băng cuộn chèn miệng chống cắn.
Học viện Quản lý quốc tế cyanua có trụ sở tại Mỹ cho rằng, cyanua thường gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính chủ yếu ở những người có thói quen ăn sắn hoặc dùng sắn làm thực phẩm chính. Lâu dài gây ảnh hưởng tới các dây thần kinh thị giác hoặc chức năng tuyến giáp. Hiện không có bằng chứng cho thấy nhiễm độc cyanua lâu dài gây đột biến hoặc bệnh ung thư.
Nguồn Suckhoedoisong.vn