Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Cháu Đặng Thị Bé đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện

Theo thông tin từ Ths. Nguyễn Thành Nam, Phụ trách khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, sau 50 ngày được điều trị và chăm sóc đặc biệt, hôm nay (ngày 28/9/2016) cháu Đặng Thị Bé (tên do các bác sỹ đặt cho bé) đã được các thầy thuốc cứu sống trong một kíp mổ cấp cứu hy hữu ngày 10/8 đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Bế cháu ngoại ngoan ngoãn nằm ngủ trong vòng tay, bà Hoàng Thị Loan vẫn chưa tin hạnh phúc này với mình là sự thật, dù rằng hạnh phúc đó không được trọn vẹn như các cụ xưa thường nói “mẹ tròn con vuông”. Tưởng rằng cả con và cháu gái chưa kịp chào đời sẽ khó lòng qua khỏi, nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực cao nhất của các thầy thuốc Viện Tim mạch, sự phối hợp tích cực, khẩn trương và đầy hiệu quả của các thầy thuốc khoa Sản, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cháu bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục. “Cháu đã cai được máy thở từ ngày 21/9 và ăn ngủ tốt, mỗi bữa được 50ml sữa, tăng cân đều. Cân nặng hiện tại của cháu là 3.250g (tăng 1.250g so với lúc mổ đẻ)”, bà Loan phấn khởi cho biết.

chau_dang_thi_be_1.jpg

Bà Hoàng Thị Loan vẫn chưa tin hạnh phúc này là sự thật, dù rằng hạnh phúc không được trọn vẹn.

Đến thời điểm hiện tại đã hơn một tháng trôi qua, BS. Cao Thị Bích Hảo, khoa Nhi, BV Bạch Mai – người trực tiếp hồi sức tích cực cho cháu bé lúc bấy giờ vẫn không thể nào quên hình ảnh một bé gái chào đời trong hoàn cảnh đầy thương cảm. BS. Hảo nhớ lại: “Điều mà chúng tôi lo lắng nhất lúc bấy giờ là khi mổ cứu thai nhi ra khỏi bụng mẹ thì em bé chưa có nhịp tim. Ngay lúc đó, ekip các bác sĩ khoa Nhi đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi bằng các biện pháp như: ép tim, đặt ống bóp bóng qua nội khí quản, bơm adrenalin qua nội khí quản... Đáng mừng, chỉ sau khoảng hai phút hồi sức tích cực, tim cháu bé đã đập trở lại, bé hồng hào hơn, có những phản xạ của sự sống và được chuyển về khoa Nhi để tiếp tục hồi sức”.

Tại khoa Nhi, bé được nuôi dưỡng hết sức cẩn thận trong lồng ấp. BS. Hảo cho biết, trẻ được thở máy, tiếp tục hồi sức tích cực nhưng tình trạng của cháu bé rất nặng và phức tạp, nồng độ oxy trong máu SpO2 không đảm bảo, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc tim bẩm sinh. Ngay lập tức trẻ được siêu âm tim, kết quả cho thấy có tăng áp lực động mạch phổi, nhưng không thấy bất thường cấu trúc tim nên khả năng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục tiến hành siêu âm thóp của trẻ thấy tưới máu não kém. Kết quả chụp X-quang phổi có hình ảnh phổi mờ xấu.

Trước tình trạng bệnh tật phức tạp và nguy kịch như vậy, bác sĩ điều trị đã xin ý kiến hội chẩn chuyên môn với lãnh đạo khoa Nhi, đặc biệt cân nhắc đến tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng là do tăng áp lực động mạch phổi hay do bệnh màng trong gây ra. Sau khi hội chẩn kỹ càng, các bác sĩ quyết định sử dụng thuốc điều trị bệnh lý thiếu hụt chất surfactant cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ vẫn được thở máy tích cực, dùng thuốc hỗ trợ, và được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Đáng mừng là chỉ 2 giờ đồng hồ sau khi sử dụng thuốc đã chỉ định, tình trạng của trẻ tốt lên rõ rệt, các thông số máy thở giảm dần đặc biệt nồng độ oxy thở vào giảm xuống đáng kể.

Đánh giá về ca bệnh này, các bác sĩ cho biết, tình trạng cháu bé hết sức nguy kịch trong hai ngày đầu tiên, tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, sau khi được sử dụng thuốc surfactant thì bệnh nhi nhanh chóng ổn định. Điều này cho thấy vai trò quyết định hợp lý của lãnh đạo và tập thể bác sỹ, điều dưỡng khoa Nhi giúp cứu nguy cho bệnh nhân. Sau 7 ngày thở máy, bệnh nhi được rút ống nội khí quản và được cho thở oxy, 3 ngày sau bệnh nhi đã có thể tự thở được. Đến nay sau hơn một tháng được điều trị tích cực, bệnh nhi đã khỏe mạnh ra viện ngày 28/9/2016 với sức khỏe ổn định, cân nặng đã đạt 3,2kg.

Ca mổ hy hữu tại Viện Tim mạch quốc gia

PGS.TS Tạ Mạnh Cường - Trưởng đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, Phó viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - Người trực tiếp tham gia chỉ đạo kíp mổ cấp cứu liên khoa Sản - Nhi - Viện Tim mạch cho biết: 9h30 tối ngày 8/8/2016, Phòng C5 Viện Tim Mạch đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (SN 1991, quê ở Hòa An, Cao Bằng) mắc bệnh tim bẩm sinh giai đoạn rất muộn và vào viện trong tình trạng hết sức hiểm nghèo. Bệnh nhân có thai  tuần 32, suy tim giai đoạn cuối, viêm phổi và suy hô hấp rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ năm 2007, lỗ thông liên thất rộng, luồng thông đảo chiều nên đã vượt quá khả năng điều trị phẫu thuật. Năm 2015, N.T.T lập gia đình và có thai lần đầu. Khi vào viện, sản phụ đã được điều trị bằng những thuốc đặc trị, theo dõi chặt chẽ và chỉ định đình chỉ thai nghén đã được đặt ra và các chuyên khoa đang phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, mặc dù bệnh nhân được điều trị tích cực và theo dõi sát sao nhưng đến 15h30’ ngày 10/8, biến cố đã xảy ra, sản phụ đột ngột ngừng tim ngay trong khi bác sĩ đang đứng cạnh và  lập tức được hồi sinh tim phổi, chuyển sang phòng cấp cứu tim mạch C1.

chau_dang_thi_be_2.jpg

Cháu Bé ăn ngủ tốt, tăng cân đều, mỗi bữa ăn được 50ml sữa. Ảnh: Thanh Tâm

Toàn bộ các thày thuốc và nhân viên y tế lúc này nhanh chóng tập trung và phương án cấp cứu lập tức được lập ra: tích cực hồi sinh tim phổi cho sản phụ, hy vọng tim của sản phụ có thể đập trở lại và hơn nữa, đảm bảo cho thai nhi không bị ngạt do sản phụ đã ngừng tim, ngừng thở. Cố gắng cứu cả mẹ, cả con, nếu không cứu được mẹ (vì sản phụ đã mắc bệnh tim và suy tim quá lâu ngày, điều này hoàn toàn có thể xảy ra) thì cũng phải cứu được con bằng cách mổ lấy thai ngay tại giường cấp cứu. Không thể để thai nhi chết vì lúc này thai nhi đã sang tuần thứ 33 tuần và có nhiều khả năng nuôi được và cũng rất có thể, sau khi mổ lấy thai, gánh nặng đối với quả tim của người mẹ giảm đi, khả năng cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công đối với mẹ sẽ cao hơn. Chính vì vậy, sau khi nhận được thông báo bằng 1 cuộc điện thoại, các bác sĩ khoa Sản và khoa Nhi đã nhanh chóng có mặt, cùng tham gia cấp cứu mẹ và con sản phụ.

Sau 15 phút cấp cứu, tim người mẹ vẫn chưa đập trở lại. Các bác sĩ quyết định vừa hồi sinh tim phổi cho mẹ, vừa tiến hành mổ lấy thai ngay tại giường cấp cứu. Các ê kíp cấp cứu phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương và thai nhi được các bác sĩ khoa Sản lấy ra chỉ trong vài chục giây. Các bác sĩ khoa Nhi đã tiến hành hồi sinh tim phổi cho cháu bé và đưa cháu về khoa Nhi tiếp tục hồi sức. Cháu bé được nuôi dưỡng trong lồng ấp, hô hấp bằng máy thở.

PGS Cường cho biết chỉ cần chậm vài giây nữa là có thể không cứu được em bé. Mặc dù thai nhi đã được lấy ra và vẫn được tích cực cấp cứu, hồi sinh tim phổi nhưng chị T đã không qua được. Ca mổ bắt con trên đây là một trong những trường hợp ít gặp trong y văn cũng như trong thực tế, lần đầu tiên xảy ra tại Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam. Ca mổ bắt thai thành công trong tình huống hết sức hiểm nghèo này tiến hành được là kết quả của sự cấp cứu hết sức khẩn trương của các thầy thuốc Viện Tim mạch cùng với sự phối hợp tích cực, đầy hiệu quả của các thầy thuốc khoa Sản, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. 

chau_dang_thi_be_4.jpg

Ban lãnh đạo BV thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình cháu bé

Trước đó, ngày 6/9/2016, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng Ban Giám đốc đã tới thăm cháu bé, động viên gia đình và tặng quà khi cháu bé đang được săn sóc tại khoa Nhi, đồng thời đã khen thưởng các tập thể và cá nhân tham gia vào cấp cứu ca bệnh này trong buổi giao ban lãnh đạo toàn bệnh viện vào ngày 7/9 vừa qua.  

Thanh Hiệp - Thanh Tâm

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image