Hưởng ứng và Chào mừng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, sáng ngày 9/11, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng và Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức chương trình Sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường với các hoạt động tư vấn dinh dưỡng, xây dựng bữa ăn, thực hành cân định lượng theo cá thể hóa phù hợp từng người bệnh.
Chương trình đón nhận sự tham gia đông đảo của người bệnh đái tháo đường đang điều trị nội - ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai, cùng người thân, những người quan tâm đến bệnh Đái tháo đường và các y bác sĩ, cán bộ y tế 2 đơn vị.
Tại chương trình, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Theo thống kê của thế giới, có 36% người bệnh đái tháo đường thường xuyên có các cảm giác đau khổ, 63% người bệnh lo lắng vì các biến chứng và 28% không có thái độ tích cực. Kiểm soát đường huyết tốt, một tinh thần, thể chất tốt rất quan trọng với người bị đái tháo đường. Do đó, người bệnh đái tháo đường có rất nhiều mối lo lắng xung quanh bệnh và vấn đề kiểm soát đường huyết mà không biết chia sẻ với ai. Chế độ dinh dưỡng, khẩu phần mỗi bữa ăn là một trong những yếu tố tác động đến đường huyết và là một phần căn nguyên lỗi lo lắng của người bệnh. Vấn đề này cũng rất khó không chỉ đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân mà còn cả đối với đội ngũ y tế, bác sĩ, điều dưỡng, dinh dưỡng viên.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại chương trình
Mong muốn người bệnh có được sự bình an, vui vẻ, tinh thần và thể chất tốt trước bệnh của mình luôn là mối bận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng, dinh dưỡng viên trong quá trình điều trị. Theo đó TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra rằng: Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, với người bệnh đái tháo đường, ăn uống như nào để cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì cuộc sống, sinh hoạt bình thường; kiểm soát được đường huyết; ngăn ngừa làm chậm diễn tiến bệnh và các biến chứng đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống là cả một vấn đề.
Bệnh đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, mắt, thần kinh, thận, nhiễm trùng, hạ đường huyết, hôn mê… Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho người bệnh điều chỉnh được các nguy cơ suy dinh dưỡng, thừa cân – béo phì, góp phần giảm thời gian và chi phí nằm viện.
Điều trị bệnh đái tháo đường là sự phối hợp đa chuyên khoa, nhóm điều trị bao gồm: bác sĩ điều trị, dinh dưỡng viên, điều dưỡng, các chuyên gia, dược sĩ, người thân, gia đình…trong cả quá trình, từ uống thuốc, tiêm thuốc đến ăn uống, vận động.
Người làm dinh dưỡng sẽ giúp các bệnh nhân sàng lọc, đánh giá tình trạng ding dưỡng, đưa ra chẩn đoán dinh dưỡng; xác định chế độ dinh dưỡng phù hợp, hướng dẫn dinh dưỡng cho người bệnh. Hội chẩn, trao đổi với bác sĩ lâm sàng đưa ra chế độ dinh dưỡng cá thể hóa người bệnh. Cung cấp kiến thức lựa chọn thực phẩm/ đọc nhãn thực phẩm/ cách tính carb…Xây dựng thực đơn, hướng dẫn thay thế thực phẩm…Theo dõi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai
Sự phối hợp tốt trong “Nhóm điều trị” sẽ mang lại hiệu quả chăm sóc dinh dưỡng tối ưu. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Hơn hết, hành động của tất cả “nhóm điều trị” đều hướng đến người bệnh có một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, phù hợp, chất lượng cuộc sống được nâng cao, vui vẻ, hạnh phúc. TS. BS Thu nhấn mạnh.
Tiếp đó, CN Đỗ Át K, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đã chia sẻ các kiến thức về chế độ dinh dưỡng hợp lý và cách thức lựa chọn thực phẩm phù hợp. Theo cử nhân K, dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường không khác gì so với một chế độ ăn lành mạnh nhưng ở mức cao hơn và hiểu biết hơn. Người bệnh không phải kiêng khem quá mức và quá lo lắng về bệnh của mình. Người bệnh và người chăm sóc quá trình ăn uống chỉ cần lưu ý những vấn đề: Cung cấp đủ năng lượng, duy trì cân nặng, ăn đa dạng thực phẩm và cân đối các thành phần dinh dưỡng: 50 – 60% chất bột, 20 – 25% chất đạm, 20 – 30% chất béo; Giữ ổn định lượng chất bột đường trong các bữa ăn và có thể thay thế giữa các loại tương đồng cho nhau. Ví dụ cơm có thể thay thế bằng bún phở, xôi, bánh mỳ, khoai…; Tăng cường chất xơ: 30 – 40g chất xơ/ ngày. Các loại rau, các loại gạo lứt, gạo xát dối, các loại hạt,... là thực phẩm có nhiều chất xơ, nên sử dụng thường xuyên; Chia bữa ăn hợp lý, ổn định giờ ăn. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà có thể ăn 3 bữa chính hoặc thêm từ 1-3 bữa phụ, mục đích tránh tăng đường máu nhiều sau ăn và tránh hạ đường máu khi xa bữa ăn. Lưu ý lựa chọn thức ăn, đồ uống dựa trên tiêu chí hàm lượng đường, tinh bột, chất xơ và chỉ số đường huyết của thực phẩm.
CN Đỗ Át K, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng chia sẻ kiến thức về chế độ dinh dưỡng
Nhiều kiến thức giá trị xung quanh bệnh Đái tháo đường đã được các bác sỹ Khoa Nội tiết & Đái tháo đường và Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng chia sẻ. Đặc biệt, tại chương trình, người bệnh và người nhà người bệnh còn được tham gia trải nghiệm thực tế, tự cân đo lượng thực phẩm. Đo đường huyết và thưởng thức bữa ăn đã được các nhân viên y tế chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán dựa trên tình trạng bệnh thực tế bản thân.
Khép lại chương trình nhiều người tham gia chia sẻ rất ấn tượng và thích thú với hoạt động này của Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng và Khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ đó họ có thêm kiến thức về bệnh, chế độ dinh dưỡng và phần nào có thể lựa chọn thực phẩm và xây dựng bữa ăn hợp lý.
Một số hình ảnh của chương trình:
Người bệnh đái tháo đường trải nghiệm xây dựng định lượng bữa ăn cho mình
Nhân viên y tế kiểm tra đường huyết người bệnh trước khi trải nghiệm bữa ăn
Người tham gia được thưởng thức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với tình trạng
Bài ảnh: Nguyên Hà – Thành Dương