Responsive Image

DetailController

Chế độ chính sách

Chỉ thu BHYT một lần khi học sinh, sinh viên tự nguyện đóng

Nhằm giảm áp lực về tài chính cho phụ huynh vào đầu năm học, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt trong năm học 2018-2019.
 

Theo đó, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1, thực hiện thu phí của những tháng còn lại năm trước đó. Đối với trường hợp đã thực hiện thu theo năm tài chính, thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2018. Học sinh, sinh viên (HSSV) có thể đóng theo thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm/lần, chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

HSSV chỉ phải đóng 70% chi phí tham gia BHYT

BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định, HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở; Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.

Kết quả hình ảnh cho bảo hiểm y tế

Theo quy định, HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

HSSV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu thì được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, TW sau khi có văn bản của giám đốc BHXH và giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố.

HSSV được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT như thế nào?

BHXH Việt Nam cho hay, về phạm vi quyền lợi hưởng, HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập); Được khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

Ngoài ra, HSSV được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với HSSV có mã thẻ BT, HN, DT, DK, XD và TS trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; HSSV còn được thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo tỷ lệ, điều kiện quy định.

Cụ thể, mức hưởng khám chữa bệnh theo thẻ BHYT đúng thủ tục quy định: Mức 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với HSSV có mã thẻ BHYT là: BT, HN, DT, DK, XD, TS; khám chữa bệnh tại tuyến xã; Tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng);

HSSV còn được hưởng 100% chi phí trong trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

- Mức 95% chi phí khám chữa bệnh khi HSSV có mã thẻ BHYT là: TC, CN;

- Mức 80% chi phí khám chữa bệnh đối với mã thẻ: HS, SV, TA, TQ, TY, TV.

Trường hợp cấp cứu: HSSV được khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở khám chữa bệnh nào. Tuy nhiên, trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến, HSSV hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến T.Ư; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trở đi trong phạm vi cả nước; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện.

Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, HSSV được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định.

Ngoài ra, BHXH VN cũng quy định trường hợp, HSSV đi khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng, mức thanh toán cho một đợt khám chữa bệnh cụ thể: Điều trị ngoại trú ở cơ sở tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán tối là 60 nghìn đồng. Điều trị nội trú ở tuyến huyện và tương đương là 500 nghìn đồng/đợt, ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương là 1,2 triệu đồng/đợt và ở tuyến TW là 3,6 triệu đồng/đợt.

Học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 của năm đó

BHXH Việt Nam cũng lưu ý, mỗi HSSV tham gia BHYT được cấp một mã số BHXH; dùng mã số BHXH để làm thủ tục tham gia và hưởng BHYT. HSSV tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn. Học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 của năm đó; có ngày sinh sau 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng sinh nhật. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

Để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT có quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong quá trình triển khai. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD&ĐT quản lý, trong đó có HSSV. Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, bảo đảm đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV; đồng thời, giao Bộ GD& ĐT, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT HSSV. Như vậy, có thể thấy việc thực hiện BHYT HSSV đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc.

 

Hoàng Thái/SKĐS

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image