"Mọi người cứ nghĩ viện tâm thần toàn những người điên, nhưng không phải vậy đâu: Mất ngủ cũng vào viện tâm thần, hay cáu gắt cũng vào viện tâm thần, trầm cảm thì càng phải vào", bệnh nhân N.B.P chia sẻ.
Bài viết chia sẻ về hơn một tháng sống và điều trị tại Viện Sức khoẻ Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai của người dùng facebook N.B.P đang tạo nên cơn sốt trong một group lớn có hơn 2 triệu thành viên, trên mạng xã hội facebook.
Bài viết này của cô gái nhận được hơn 8.300 lượt like và 1.906 bình luận một cách nhanh chóng. Sở dĩ bài viết này gây sốc vì nó cung cấp một góc nhìn hoàn toàn khác về các bệnh nhân trong viện tâm thần - nơi người ta mặc định nghĩ rằng chỉ điều trị cho những người bị "điên".
N.B.P cho biết, cô nhập viện do "rối loạn hành vi trầm cảm". Trong Viện Sức khỏe Tâm thần, P. gặp rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình - nhiều người trong số họ đều là học sinh giỏi học trường chuyên.
Cô viết: "Mọi người cứ nghĩ viện tâm thần toàn những người điên, nhưng không phải vậy đâu: Mất ngủ cũng vào viện tâm thần, hay cáu gắt cũng vào viện tâm thần, trầm cảm thì càng phải vào.
Vào trong ấy gặp toàn người hoàn cảnh giống mình, mà toàn học chuyên thôi... Sáng 7 giờ dậy đi mua bánh mì về ăn. Xong uống thuốc, truyền nước xong đến trưa thì đi ra quán cơm Kim chi. Chiều là thời gian rảnh rỗi nhất, ngủ trưa đến 2h xong đi sang các phòng chơi."
Trong bài viết của P. cho biết, khu cô điều trị đều là những người trẻ tuổi bị bệnh, nhập viện với các mức độ và lí do bệnh khác nhau.
"Phòng đầu tiên là 1 em lớp 7. Em ấy bị rối loạn cảm xúc. Em ấy hay cáu gắt và không làm chủ được bản thân. Nhưng mình không thấy vậy, em ấy rất vui vẻ hoà đồng, còn rủ mình chơi slime nữa. Tầm 5h chiều 2 chị em lại rủ nhau đi chơi...
Phòng thứ 2 có một em cũng rối loạn cảm xúc, em ấy vì bị người yêu chia tay nên sốc quá vào viện, học chuyên Toán đó, em ấy sống quá tình cảm, dù ít nói.
Phòng thứ 3 là một bạn bằng tuổi mình, bị hoang tưởng, nhưng mà mình thấy bạn ấy bình thường, chẳng sao cả.
Phòng thứ 4 là 1 em ở Sơn Tây, vui vẻ, hoạt bát nhưng lại được chẩn đoán là trầm cảm".
P. còn vui vẻ kể trong bài viết: "Các bác sĩ ở đây thì đẹp trai, xinh gái, vui tính và đặc biệt là còn trẻ...".
Cô gái này cũng không quên nhấn mạnh về mình và những người bạn bệnh của mình: "Lúc mọi người vui vẻ ổn định thì chẳng khác gì người bình thường, nhưng lúc cáu gắt thì cảm xúc lại khác thường và gây ra những hành vi không xứng đáng".
Bài viết của P. nhận được nhiều bình luận và sự đồng cảm từ cộng đồng mạng, hầu hết đều là những người trẻ tuổi, trong số đó, có rất nhiều bạn trẻ cũng thừa nhận mình từng bị trầm cảm và phải nhập viện giống P.
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Viện Tâm Thần Trung ương 1, trầm cảm hiện nay là một vấn đề thời sự, số bệnh nhân trầm cảm ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội, bởi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều stress như áp lực về công việc, học hành, kinh tế, ô nhiễm môi trường, ma túy đá và các tệ nạn xã hội.
Trầm cảm nặng đặc trưng bởi trạng thái buồn rầu, đau khổ, cảm thấy tương lai ảm đạm, lời nói chậm chạp, liên tưởng khó khăn, giảm sút lòng tin, tự cho mình là hèn kém, mất dần các thích thú trong cuộc sống và có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác.
Trầm cảm nặng thường kèm theo rối loạn các chức năng sinh học như: Mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khi bệnh nặng có thể từ chối ăn và bệnh nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt do rối loạn nước và điện giải. Khoảng 45 - 70% người tự sát mắc bệnh trầm cảm và 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát. Người bệnh hầu như không làm được gì khi bệnh đã nặng.
Theo VTCnews