Sáng hôm sau, Bác sĩ Cơ đến viện rất sớm. Vậy mà đến nơi, anh đã thấy trưởng các khoa, phòng đã có mặt đông đủ đang chờ họp bàn, lên kế hoạch đi Lai Châu. Sau khi hội ý, lãnh đạo BV Bạch Mai quyết định cử 11 bác sĩ, dược sĩ đầy đủ các chuyên khoa, gồm hồi sức, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật lồng ngực.
Đồng thời mang theo các dụng cụ, máy móc, thuốc men. Đặc biệt, dự tính nguồn máu tươi phục vụ cho cấp cứu sẽ khó khăn nên đoàn đã đề xuất với lãnh đạo BV cho mang theo 100 đơn vị máu và các chế phẩm máu.
Và quả thực, nguồn máu quý giá trên đã phát huy hiệu quả tốt trong cấp cứu cho các nạn nhân. BS Cơ cho biết, trước khi lên đường, lãnh đạo BV đã đến bắt tay, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong đoàn.
Điều đó khiến mỗi thành viên cảm nhận rất rõ trách nhiệm của mình trong chuyến tham gia hỗ trợ cấp cứu thảm họa này. Ấn tượng đầu tiên của đoàn xuống máy bay, là lãnh đạo tỉnh và rất nhiều người dân Lai Châu đã ra chào đón đoàn.
Những cái bắt tay rất chặt, ấm áp của đồng bào ngay khi đoàn xuống máy bay đã giúp cả đoàn xóa tan mệt mỏi sau cuộc hành trình. Lúc đó là 1h chiều, BS Cơ cho biết, mặc dù rất mệt nhưng cả đoàn không hề cảm thấy đói, chạy thẳng lên các phòng bệnh để thăm khám cho các bệnh nhân.
Sau đó cả đoàn cùng các bác sỹ BV Việt Đức thảo luận và lên phương án phân loại bệnh nhân để có hướng điều trị. Kế đó, đoàn bắt tay ngay vào phẫu thuật cho các bệnh nhân nặng cần phải mổ cấp cứu ngay, như bị vỡ nội tạng (gan, mật, lách…).
Điều khiến chúng tôi rất xúc động là quá trình làm việc, đoàn luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ GTVT, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắn tin, điện thoại hỏi thăm nhiều lần đến từng thành viên trong đoàn.
Những ngày ở viện, nhìn thấy đồng bào, chúng tôi càng cảm thấy rất thương và xót xa trước nhiều hoàn cảnh khó khăn và càng ý thức hơn trách nhiệm phải làm để giúp bà con vơi đi đau thương, mất mát.
Tôi còn nhớ, sáng đó tôi nhờ phiên dịch hỏi thăm người nhà bệnh nhân “Anh đã ăn sáng chưa?”. Anh ấy bảo: “Tao làm gì có gì mà ăn”. Câu nói đó khiến tôi và các anh em trong đoàn thấy thương đồng bào mình vô cùng.
Và ngay khi đó, không ai bảo ai, đoàn y bác sĩ chúng tôi đã quyết định quyên góp tiền để hỗ trợ các gia đình trong nạn nhân.
Chiều 26.2, sau 2 ngày tham gia hỗ trợ, khi công tác cấp cứu cho các bệnh nhân đã qua được giai đoạn nguy hiểm, đoàn quyết định để lại 1 kíp nhỏ, còn lại “thu quân” đón tàu về Hà Nội.
“Khi đó chúng tôi vừa lên xe, thì có bác sĩ phát hiện ra một bệnh nhân bị tụ máu ở đầu. Ngay lập tức, cả đoàn quyết định ở lại để mổ cho bệnh nhân này. Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng không ai nề hà gì. Cũng may, cả đoàn vẫn lên kịp chuyến tàu để trở về Hà Nội” - BS Cơ kể.
Trong thời gian ngắn ngủi 2 ngày ở Lai Châu, không chỉ thăm khám, cứu chữa cho các bệnh nhân bị tai nạn trong vụ sập cẩu, đoàn còn thăm khám, chẩn đoán cho nhiều bệnh nhân các khoa khác, giúp các bác sỹ tuyến tỉnh xử lý nhiều ca khó đang điều trị tại viện.
Đã từng tham gia nhiều chuyến hỗ trợ cấp cứu thảm họa tại cộng đồng, nhưng chưa chuyến đi nào để lại nhiều ấn tượng và suy tư cho BS Cơ như chuyến đi này. Sự mất mát đột ngột, những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và sự hiểu biết của đồng bào khiến anh và các đồng nghiệp cảm thấy thương vô cùng.
“Mặc dù đã qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn còn khoảng 4 bệnh nhân bệnh rất nặng đang nằm khoa hồi sự tích cực, chấn thương nhiều cơ quan vỡ tạng, vỡ đầu gối, phải thở máy, khả năng để lại di chứng là rất lớn.
Họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội cho cuộc sống lâu dài sau này” - BS Cơ nhấn mạnh.
Theo Lao động