Về cách sơ cứu với những trường hợp trẻ uống phải hóa chất, PGS. TS Dũng lưu ý, với những vật không phải hóa chất có thể gây nôn tại nhà, còn hóa chất các bố mẹ đặc biệt không được gây nôn.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp trẻ uống nhầm thuốc rửa móng tay dẫn tới bị “ngộ độc”. Có những trẻ vào viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được.
Để hạn chế tới mức tối đa tình trạng đó và có biện pháp cấp cứu kịp thời tại nhà giúp trẻ an toàn khi uống nhầm thuốc rửa móng tay của người lớn, phóng viên đã có buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai).
PGS. TS Dũng cho hay, nước rửa móng tay có tên gọi hóa học là Acetone. Đây là một chất lỏng không màu, dễ cháy, có mùi ngọt gắt. Acetone tan trong nước và là dung môi chủ yếu dùng để làm sạch trong phòng thí nghiệm, đồng thời là chất dùng để tổng hợp các chất hữu cơ và còn được sử dụng trong các thành phần hoạt chất của sơn móng tay.
Nói về những phản ứng phụ của Acetone, PGS. TS Dũng cho biết: “Acetone khi dính vào da gây ngứa da. Nguy hại nhất là thở hít nhiều khí acetone sẽ làm tổn thương phổi, tạo cảm giác say rượu, mất thăng bằng. Với liều cao vài chục gam, Acetone ức chế thần kinh trung ương gây hôn mê, ức chế trung tâm hô hấp, gây rối loạn nhịp thở, ngừng thở.
Hít phải (nồng độ cao) có thể ảnh hưởng đến cơ quan cảm giác, gây kích ứng đường hô hấp, nhức đầu, buồn ngủ, tạo cảm giác say, mất thăng bằng theo kiểu nghiện rượu; hay nuốt phải thì ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu”.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai hầu như tháng nào cũng có những trường hợp trẻ được cấp cứu vì uống nhầm hóa chất, thuốc tại nhà.
Trong đó, các hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ...
Nguyên nhân chủ yếu mà PGS. TS Dũng đưa ra là do sự bất cẩn của cha mẹ để các dung dịch này vào các chai nước như: Chai nước suối, chai nước ngọt, trà xanh… ở những nơi dễ thấy. Khi chạy chơi về bị khát, trẻ tưởng đó là nước lọc nên uống không giới hạn dẫn tới lượng hóa chất nuốt vào thường nhiều.
Thêm vào nữa, đặc điểm của trẻ con là tò mò và thích khám phá xung quanh bằng tay, miệng. Hầu hết những gì trẻ nhặt được đều đưa vào miệng, nên càng khiến trẻ em bị nuốt phải hóa chất rất nhiều.
Khi trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất...
Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do bé đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Những hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, Acetone... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.
“Nguyên nhân chính là do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh. Để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên để bừa bãi các lọ hóa chất dưới nền nhà và nơi trẻ có thể với tới.
Đặc biệt, với bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, nguy cơ ngộ độc rất dễ xảy ra với trẻ, những hóa chất nguy hiểm cần được cất kỹ, để xa tầm với của trẻ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, PGS. TS Dũng nhấn mạnh.
Về cách sơ cứu với những trường hợp trẻ uống phải hóa chất, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, với những vật không phải hóa chất thì có thể gây nôn tại nhà, còn hóa chất các bố mẹ đặc biệt không được gây nôn. Nếu phát hiện ra thì bế con ngay đi bệnh viện, không làm bất kể động tác gì ở nhà. Cùng với đó, ông bố bà mẹ mang theo chai nước mà bé đã uống đưa cho bác sĩ để chuẩn đoán và khám chữa bệnh cho trẻ một cách chính xác nhất.
“Nếu gây nôn, hóa chất trào ngược một lần nữa sẽ lại làm bỏng thêm một lần nữa các bộ phận như khí quản, thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ” PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ/Người đưa tin