Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; TS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng Chính sách trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ xã hội. Hội nghị còn có sự hiện diện của đại diện Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc - UNICEF Việt Nam, các trường Đại học, Học viện có bộ môn Công tác xã hội và những học phần liên quan, các khách mời danh dự là các nhà báo, nghệ sĩ, nhà hoạt động thiện nguyện, 20 đại diện cho phòng Công tác xã hội của các Bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, 20 nhà hảo tâm đại diện cho các nhóm từ thiện, các tổ chức thiện nguyện luôn đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai trong việc hỗ trợ bệnh nhân, các cơ quan báo chí truyền thông. Về phía Bệnh viện Bạch Mai có ông Vũ Văn Hồng và PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện, TS.BS Đoàn Thu Trà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện cùng lãnh đạo các đơn vị trong bệnh viện, 160 cán bộ màng lưới Công tác xã hội trong bệnh viện, đại diện bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN HƯỚNG TỚI SỰ CHUYÊN NGHIỆP, GÓP PHẦN VÀO SỰ NGHIỆP CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Ban lãnh đạo Bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng đã khẳng định: Trong những năm gần đây, Công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người bệnh tại các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện, nhất là những đối tượng yếu thế như người nghèo, trẻ em, phụ nữ, bệnh nặng, các đối tượng chính sách; Tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo, an sinh xã hội như những chuyến công tác xã hội cộng đồng tới nhiều vùng miền khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí, phát thuốc tặng quà cho đồng bào vùng sâu vùng xa; Những “Gian hàng tết O đồng” chăm lo tết yêu thương cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ nhân viên y tế, “Chuyến xe O đồng” hỗ trợ người bệnh…Bên cạnh đó là hoạt động truyền thông y tế, truyền thông nội bộ và lan tỏa ra cộng đồng xã hội, công tác thiện nguyện kết nối - gắn kết chia sẻ yêu thương. Trong những năm tới, công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiên phong, chủ động phát huy vai trò và thế mạnh của mình, gắn bó chặt chẽ với các đơn vị lâm sàng để góp phần chăm sóc, hỗ trợ toàn diện cho người bệnh, góp phần vào công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân, kết nối và lan tỏa trong cộng đồng tinh thần nhân văn, đạo lý lá lành đùm lá rách của người Việt, cập nhật và truyền thông kịp thời những thông tin và dịch vụ Y tế tới cộng đồng, góp phần vào an sinh xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng đánh giá cao những nỗ lực của các hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và tại các bệnh viện nói chung trong suốt thời gian qua. Trong những bước tiến bộ của xã hội, công tác xã hội là một nghề cần phải có trong nhiều lĩnh vực, nhất là mảng y tế. Người cán bộ công tác xã hội trong ngành Y mang tính đặc thù cần hội tụ đủ 3 vòng giao thoa của kiến thức về pháp luật, chính sách để tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh những vấn đề cần thiết trong luật khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; có kiến thức văn hóa xã hội để hiểu đặc tính của từng vùng miền, từng đối tượng mà mình cần giúp đỡ trong những dự án y tế thiện nguyện, trong những cơ sở y tế, và nhất là có những hiểu biết nhất định về y học để hỗ trợ chăm sóc người bệnh, các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách một cách toàn diện. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ công tác xã hội cho ngành Y cần được quan tâm các mảng kiến thức, để mỗi ngày một chuyên nghiệp hơn. PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông tới cộng đồng, tới người bệnh những thông tin cần thiết về giáo dục sức khỏe, cập nhật những dịch vụ y tế tốt nhất để người dân có thêm hiểu biết và tiếp cận được những tiến bộ trong y học, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Trong những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai nói chung và Phòng Công tác xã hội luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành về vật chất và tinh thần dành cho người bệnh của các tổ chức, các nhóm, các cơ quan, đơn vị và cá nhân thiện nguyện. Nhân Ngày công tác xã hội Việt Nam, thay lời tri ân tới những tấm lòng, những trái tim yêu thương thiện nguyện, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện đã ký quyết định khen thưởng cho 14 tập thể và 03 cá nhân trong cộng đồng xã hội đã tích cực tham gia hoạt động Công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai gồm: Hội từ thiện Cát Linh, Nhóm nồi cháo thiện nguyện Agribank, Hệ thống Công ty Hà Thành Group, Nhóm thiện nguyện Tâm Thiện, Nhóm thiện nguyện Sen xanh, Nhóm thiện nguyện Thanh Xuân, Công ty Cổ phần viễn thông Intercom Việt Nam, Công ty TNHH Meiji food Việt Nam, Nhóm bếp Người Hà Nội, Lớp học Hạnh phúc, Công ty TNHH xã hội Quỹ Bắc Cầu, Đội Sinh viên tình nguyện trường ĐH Y Hà Nội, Công ty cổ phần dịch vụ y tế Hà Sơn, Công ty cổ phần phát hành sách Fahasa, các cá nhân Ông Ngô Xuân Lợi - Công ty TNHH xây dựng sản xuất và thương mại Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Tổ 7, phường Hoàng Văn Thủy, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, dược sĩ Đặng Thị Thúy Ngân - số 12 Trần Thái Tông, Hà Nội.
Để động viên những đơn vị, cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đã có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng ký quyết định tặng giấy khen cho 4 tập thể và 14 cá nhân.
Sau phần trao tặng Giấy khen của Giám đốc Bệnh viện cho các tập thể và cá nhân, hội nghị chuyển sang phần trao quà cho những bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn, việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là kết nối những tấm lòng và trao gửi yêu thương, đó cũng là một phần giá trị cốt lõi của ngành công tác xã hội. Nhà báo Vũ Hương Hồng - thay mặt Ban Biên tập chuyên mục Nhân Ái, Báo Dân trí đã trao số tiền gần 170 triệu đồng cho một bệnh nhân nặng có hoàn cảnh rất khó khăn. Chương trình kết nối 54 - Đài Tiếng nói Việt Nam do nhà báo Văn Phú đại diện đã trao tặng hai bệnh nhân nghèo tổng giá trị là 80 triệu đồng. Tiếp theo đó là 5 bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn tại một số đơn vị đã được nhận quà của ban tổ chức và các vị khách mời.
HỘI THẢO CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN NĂM 2024: TIÊN PHONG - CHUYÊN NGHIỆP VÀ KẾT NỐI
Để nâng cao chất lượng của hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện, hội thảo năm nay tập trung vào công tác xã hội lâm sàng với sự tham gia của đồng chủ tọa: PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, TS.BS Trần Song Giang - Trưởng Phòng Công tác xã hội, Trưởng Đơn vị Điều trị theo yêu cầu C9 - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Hội thảo đã theo dõi và thảo luận về 2 chủ đề hữu ích qua sự trình bày của hai báo cáo viên giàu kinh nghiệm: PGS.TS Phạm Tiến Nam - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, ĐH Y tế công cộng với báo cáo “Một số gợi ý trong thực hành công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện” đã nhấn mạnh Công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện là một lĩnh vực thực hành chuyên biệt của công tác xã hội, tập trung vào đánh giá chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn cảm xúc và các rối loạn hành vi khác. Trị liệu cá nhân, nhóm và gia đình là những phương thức trị liệu phổ biến. Báo cáo và thảo luận của chủ tọa cũng hướng tới những đối tượng cần quan tâm nhất về sức khỏe tâm thần tại bệnh viện, cùng các hoạt động của công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện để hỗ trợ cho người bệnh kịp thời và tối ưu.
Bài báo cáo của TS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Giảng viên ĐH VinUniversity, cố vấn Công tác xã hội Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh đưa ra những phân tích về công tác xã hội lâm sàng từ góc nhìn chăm sóc toàn diện, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh trên cơ sở tiếp cận đa chuyên ngành- liên ngành giúp người bệnh và gia đình bệnh nhân có những hỗ trợ tâm lý, giảm sức ép về bệnh tật một cách tốt nhất trong suốt chặng đường chẩn đoán, điều trị của người bệnh, thậm chí cả mất mát và sau mất mát nếu không may xảy ra.
Qua hội thảo, chúng ta càng nhận thấy rằng công tác xã hội là một ngành kết hợp đa chuyên ngành, người làm công tác xã hội trong bệnh viện với công việc đặc thù cần luôn nâng cao kiến thức để hướng tới làm việc chuyên nghiệp - tận tâm trong biên độ rộng và phức hợp của nghề, đó không chỉ là kết nối chia sẻ vật chất cho người bệnh khi khó khăn mà là hỗ trợ suốt quá trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh, góp phần không nhỏ vào công tác khám chữa bệnh cho người dân với tinh thần nhân đạo, an sinh xã hội cao cả.
Bài: Thùy Dương/Ảnh: Thế Anh, Minh Tuấn