Khoảng 23h ngày 4/9, Khoa Nhi tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Đăng Đan được chuyển từ Đa khoa tư nhân Kinh Bắc. Bệnh nhi Đan nhập viện trong tình trạng toàn thân tím đen. Kết quả chụp phim cho thấy, tổn thương phổi tiếp tục tăng lên so với thời điểm trước đó 1 tiếng được chụp tại BV Kinh Bắc. Bệnh nhi được chẩn đoán bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển nhanh. Dù bệnh nhi tự thở được nhưng phân áp ôxi trong phổi vẫn rất thấp (25mmHg), chỉ bằng khoảng ¼ so với mức bình thường vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxi. Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt máy thở loại hiện đại, chế độ thở hô hấp kiểm soát hỗ trợ với PEEP cao để nhanh chóng đưa nồng độ oxy lên. Sau 3 ngày liên tục thở máy, tình trạng viêm phổi của bệnh nhi cơ bản được đẩy lùi. Theo PGS Dũng: khoảng 2 ngày nữa, cháu Đan sẽ được ra viện sau khi khống chế viêm phổi và kiểm tra một số xét nghiệm cần thiết trước khi cho cháu xuất viện
Trò nghịch dại của con trẻ
Chiều 4.9, trên đường đi học về nhà, cháu Đan đi qua một con mương. Trong khi các bạn học nhảy xuống mương tắm, Đan không biết bơi nên chỉ đứng trên bờ, nhưng lại bị các bạn trêu kéo tay xuống nước và úng chỗ nước sâu.
Cháu chới với, vùng vẫy, các bạn hoảng sợ nhưng không cứu được. May là có một người đàn ông đang câu cá ở gần đó, các cháu hô hoán nên ông đã chạy đến kéo cháu Đan lên kịp thời. Sau khi được sơ cứu, móc họng, hô hấp nhân tạo, chỉ 5 – 10 phút sau, cháu đã nôn ra được nhiều nước và tỉnh lại, tự đi được xe đạp về nhà. Về đến nhà Đan thấy mệt nên lên giường nằm và từ đó bắt đầu có biểu hiện ho, sốt, môi tím tái dần. Gia đình đưa cháu đến BV đa khoa tư nhân Kinh Bắc, kết quả chụp phim phổi cho thấy phổi đã gần như trắng quá nửa dưới phế trường 2 bên phổi, nên BV cho cháu chuyển ngay lên Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Bố mẹ cháu Đan đều đang làm việc ở miền
Đuối nước ao hồ - những điều cần biết
Theo PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Đặc trưng của người bị đuối nước ở ao hồ, hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung, không phải bể bơi là rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn độc tính cao hoặc các hóa chất thải ra môi trường nước, dẫn đến phù phổi cấp tổn thương. Vì thế, ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại sau sơ cứu ban đầu, vẫn nên đưa người bệnh đến bệnh viện để theo dõi và kiểm tra các biến chứng nặng có thể xảy ra sau đuối nước. Khi đó chúng ta có thể phát hiện sớm tình trạng phù phổi qua theo dõi diễn biến lâm sang và chụp phin phổi, bởi diễn biến tình trạng thường rất nhanh. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm các biến chứng có thể xảy ra bằng thở oxy, sử dụng các thuốc lợi tiểu, dùng kháng sinh có thể ngăn chặn diễn biến bất thường và cứu sống cho bệnh nhân”.
Theo phó giáo sư Dũng, có thể chia đuối nước ra làm 2 loại: loại ở hồ bơi và ở nguồn nước tự nhiên như: ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch... Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, không sạch, chứa vi trùng... thì sau vài tiếng trẻ hít phải nước đó vào phổi nó có thể phá hủy phổi.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên thì sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do vì có khoảng 15-30% số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ. Như trường hợp của Đan nếu chụp phổi phát hiện sớm thì việc cứu chữa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đỗ Hằng