Triệu chứng mơ hồ, khó chẩn đoán
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp của bé Việt rất đặc biệt vì bé được phát hiện muộn, những triệu chứng điển hình của viêm màng não không có. Nhưng bằng những kinh nghiệm lâm sàng của các bác sỹ Khoa Nhi BVBM và sự quyết tâm của gia đình nên việc điều trị cho bệnh nhân đã thành công .
Là người theo dõi và điều trị cho cháu Việt ngay từ lúc nhập viện, bác sĩ Phạm Văn Hưng cho biết: "Bệnh nhân Đồng Quốc Việt đến khoa Nhi trong tình trạng sốt cao liên tục, ho có đờm, tiêu chảy, nghe phổi có ít ran… đó là những triệu chứng giống như 1 bệnh nhân viêm phổi. Bệnh nhi tự lên Bệnh viện Bạch Mai, không có giấy chuyển viện nên các bác sĩ không biết bệnh nhi đã được điều trị kháng sinh gì.
Mặc dù phát hiện muộn viêm màng não mủ song cháu Việt 8 tháng tuổi đã được chữa khỏi hoàn toàn, không để lại bất kỳ di chứng nào
Tuy nhiên sau 1 thời gian điều trị theo hướng viêm phổi kèm theo có sự theo dõi chặt chẽ, thấy bệnh cảnh trẻ mệt mỏi, tình trạng khó thở không tương xứng với bệnh cảnh lâm sàng, chúng tôi đã nghĩ đếnkhả năng viêm màng não và đã chỉ định chọc dịch màng não tủy. Bác sỹ Hưng cho biết thêm: “Dịch não tủy của trẻ chọc ra đã như nước dừa non, protein tăng cao 4,3 lần so với người bình thường . Kết quả chụpMRi màng não thấy hình ảnh dầy dính màng não nên bệnh nhi được điều trị bằng dexamethaxon kết hợp kháng sinh đặc trị”.
Bác sĩ Hưng cho biết trong quá trình điều trị, có những lúc tưởng chừng bệnh nhân đã đứng trước nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng. Các bác sĩ xác định đây là ca bệnh phát hiện muộn, tỷ lệ di chứng rất cao nhưng gia đình và thầy thuốc vẫn quyết tâm bằng mọi cách điều trị cho cháu vì đã xác định được nguyên nhân rõ ràng. Nhờ các biện pháp điều trị mới, tích cực, sử dụng loại kháng sinh tốt nhất có thể ngấm được vào màng não với liều cao theo đường tĩnh mạch liên tục 3h một lần . Và thật diệu kỳ, sau 5 tuần điều trị bé đã khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại bất kỳ di chứng nào.
Chị Thắm, mẹ cháu Việt xúc động cho biết suốt thời gian bé nằm viện, lúc đầu vợ chồng chị vô cùng lo lắng khi biết con bị viêm màng não phát hiện quá muộn nhưng nhờ có sự động viên của các bác sĩ nên gia đình cố gắng, tin tưởng bác sĩ quyết tâm điều trị cho bé. “Cháu tôi nằm viện ở tuyến huyện 9 ngày, không phát hiện ra bệnh. Sau đó, gia đình yêu cầu bệnh viện cho cháu chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau 1 tuần các bác sĩ phát hiện cháu mắc bệnh viêm não. Lúc đó, đặt cháu nằm đâu cháu nằm đấy, tay chân không cử động, mắt đờ đẫn, lúc đó, tôi và bố mẹ cháu chỉ biết đứng nhìn và khóc. Nhưng sau một thời gian được các bác sĩ điều trị, cháu đã hồi phục hoàn toàn và không còn bất cứ dấu hiệu bệnh chứng hay di chứng. Gia đình rất vui mừng và hạnh phúc khi cháu đã bình phục trở lại, đồng thời chúng tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã tận tình cứu chữa cho cháu”, ông ngoại cháu Việt chia sẻ.
Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sỹ
Qua ca bệnh này, PGS Dũng cũng cảnh báo các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sỹ. Kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu chúng ta hiểu biết tốt về kháng sinh và xác định được rõ bệnh thì mới dùng kháng sinh đặc hiệu. “Hiện nay, đa số các ông bố bà mẹ đều đang dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, theo đơn cũ, theo hướng dẫn của người bán thuốc... Con bị sốt, ho, tiêu chảy...tất cả đều dùng kháng sinh. Đã đến lúc cần phải có một qui định chặt chẽ về vấn đề này. Không thể bán kháng sinh một cách tràn lan, dễ dàng như mớ rau, ngọn cỏ ngoài chợ khi không có đơn của bác sỹ được”, PGS Dũng chia sẻ.
Sau 5 tuần điều trị, cháu Việt đã được trở về nhà trong niềm vui vỡ òa của cả gđ và tập thể y bác sỹ khoa Nhi - BVBM
Cháu Việt đây là một điển hình. Trong những ngày đầu bệnh viêm màng não của cháu không có những biểu hiện rõ ràng cộng thêm việc dùng kháng sinh không đúng bệnh nên các dấu hiệu của viêm màng não đã bị “che khuất”. Phải mất đến 9 ngày theo dõi cộng với kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ y bác sỹ của Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viêm màng não mủ của cháu Việt mới được phát hiện. Và rất may mắn cho gia đình vì dù phát hiện muộn với tiên lượng bệnh rất xấu nhưng cháu Việt đã được chữa khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.
PGS Dũng cho biết việc chẩn đoán viêm màng não mủ ở trẻ dưới 1 tuổi khó hơn nhiều ở trẻ lớn và người lớn. Ở tuổi này, trẻ có những biểu hiện lâm sàng không điển hình nên chẩn đoán khó. Nếu người ta nói triệu chứng cổ điển viêm màng não của trẻ lớn, người trưởng thành là đau đầu, táo bón, cứng gáy thì ở trẻ dưới 1 tuổi không có triệu chứng đó mà lại là triệu chứng gây tiêu chảy, sốt,.. . Chính vì thế, nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm và không nghĩ đến viêm màng não sẽ dễ bị lạc hướng điều trị.
“Để phát hiện trẻ mắc viêm màng não, đặc biệt ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… Biểu hiện này rất khó phân biệt với nhiều bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát sao và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời”, PGS Dũng cảnh báo.
Bài, ảnh: Mai Thanh