1. Thoái hóa khớp gối
Hiện nay, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng theo sự phát triển của khoa học và y tế, điều này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng tỷ lệ các bệnh lý thoái hóa ở người cao tuổi. Trong số đó, bệnh lý về khớp gối chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh lý thoái hóa xương khớp, ước tính vào khoảng 240 người /100.000 dân mỗi năm.
Thoái hóa là một quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi gây tổn thương các cấu trúc giải phẫu ở khớp gối như: xương, sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch …, quá trình này kéo dài gây mất tính đàn hồi, mất dần lớp sụn khớp và giảm khả năng hoạt động, dẫn đến sự “cọ xát” tăng lên giữa các bộ phận khớp, gây ra viêm và đau khớp gối, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Các yếu tố nguy cơ nào có thể dẫn tới thoái hóa khớp gối ?
- Trọng lượng cơ thể lớn
- Hội chứng chuyển hóa: béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường
- Di truyền
- Tiền sử chấn thương vùng gối
- Vận động viên thể thao: bóng đá, tennis hoặc chạy đường dài
Người bệnh thoái hóa khớp gối thường gặp các triệu chứng gì ?
- Đau vùng gối, đau vào ban đêm và khi nghỉ ngơi, đau tăng lên khi vận động dẫn tới hạn chế chức năng của khớp gối
- Sưng nề, tràn dịch khớp gối
- Cứng khớp gối, thường vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi một thời gian dài.
- Người bệnh thường có dáng đi “giảm đau” bằng cách khép chân, chùng gối, chụm ngón chân khi đi.
- Cảm giác “lạo xạo” trong khớp khi vận động.
Làm sao để chẩn đoán được bệnh thoái hóa khớp gối?
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối cần phải được thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.
Hình ảnh chụp X-Quang và cộng hưởng từ có thể giúp chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá giai đoạn bệnh.
Phòng ngừa và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như thế nào ?
Để phòng ngừa thoái hóa khớp gối nên duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối duy trì cân nặng phù hợp, tập luyện thường xuyên nhưng không quá sức và tránh các hoạt động gây tổn thương khớp gối.
Khi đã bị thoái hóa khớp gối, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau và chống viêm, tiêm nội khớp; trong một số trường hợp, khi tình trạng thoái hóa khớp ở mức độ nặng, phẫu thuật thay khớp gối là phương pháp điều trị giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Bệnh lý tại khớp không do thoái hóa
- Nếu có kèm theo tình trạng tràn dịch khớp gối bạn có thể mắc phải?
- Các bệnh lý tự miễn: viêm khớp dạng thấp, bệnh khớp vẩy nến và các bệnh tự miễn khác có thể gây ra đau khớp gối. Các bệnh lý này thường có tính đối xứng, nghĩa là nó thường ảnh hưởng đến cùng một khớp cả ở 2 bên cơ thể. Bệnh lý khớp gây ra phản ứng viêm khiến khớp gối trở nên cứng và đau khi vận động. Các bệnh lý khớp tiến triển dẫn tới hậu quả cuối cùng là viêm xương khớp, thoái hóa khớp.
Điều trị nội khoa kiếm soát bệnh nền kèm theo điều chỉnh lối sống, khi bệnh mức độ năng gây ra tình trạng biến dạng khớp cần kiểm tra đánh giá khả năng thay khớp gối nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Bệnh khớp tinh thể như gout, giả gout: nguyên nhân do lắng đọng các tinh thể urat, pyrophosphate tại khớp, thường hay gặp ở ngón cái hay mắt cá chân nhưng đôi khi cũng gặp tại khớp gối.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: tình trạng viêm sưng nóng cấp tính khớp gối do vi khuẩn xâm nhập vào khớp, cần được can thiệp và xử lý kịp thời tránh tổn thương khớp và nhiễm trùng lan rộng.
- Nếu không có kèm theo tình trạng tràn dịch khớp gối có thể các nguyên nhân sau:
- Đau mặt trước khớp gối: hội chứng Plica, viêm bao hoạt dịch trước hoặc dưới bánh chè, hội chứng mỡ Hoffa, bệnh lý gân bánh chè hoặc gân tứ đầu, nhuyễn sụn bánh chè, đau do nguyên nhân tại khớp háng, …
- Đau mặt trong khớp gối: thoái hóa sụn chêm trong, viêm bao hoạt dịch gân chân ngỗng, chèn ép thần kinh hiển,…
- Đau mặt ngoài khớp gối: hội chứng dải chậu chày, thoái hóa sụn chêm ngoài,…
- Đau mặt sau khớp gối: kén khoeo, bệnh lý gân cơ khoeo, giả phình động mạch khoeo, chèn ép động mạch khoeo,…
Có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý gây nên tình trạng đau khớp gối, do đó bạn nên được bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hoặc bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp thăm khám trực tiếp để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.
3. Chấn thương khớp gối
Chấn thương khớp gối, từ những vi chấn thương đến những chấn thương nghiêm trọng do tai nạn, thể thao hoặc vận động, cũng là một nguyên nhân gây đau khớp gối. Các tổn thương này có thể gây ra viêm, tổn thương mô, và trong một số trường hợp, dẫn đến viêm khớp hậu chấn thương. Tùy thuộc vào thành phần, cấu trúc tổn thương để có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp. Có thể gặp các tổn thương như khuyết xương sụn, gãy xương do loãng xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm, rách bao khớp, rách gân bánh chè - gân tứ đầu, trật hoặc bán trật khớp bánh chè, tổn thương góc sau ngoài,… gây nên tình trạng đau khớp gối sau chấn thương.
Kết luận
Đau khớp gối ở người trung niên và cao tuổi là một vấn đề phức tạp và đa diện, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn chặn, nhưng việc hiểu rõ nguyên nhân và các phương pháp phòng ngừa có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Khi có các triệu chứng trong bài viết, bạn nên khám ngay bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để có thể được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Khám các bệnh lý khớp gối tại Bệnh viện Bạch Mai:
Bạn có thể đăng ký khám tại Phòng khám 424 nhà K1 hoặc Phòng khám 111 nhà K2, Khoa Khám bệnh
Để phẫu thuật các bệnh lý này tại Bệnh viện Bạch Mai:
Liên hệ:
Điện thoại: 024 62537694, Hotline: 086.958.7728 (ZALO, VIBER)
Website: osdbachmai.com
Email: ctchhanhchinh@gmail.com hoặc osdbachmai@gmail.com
Fanpage: Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống - Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà 21 tầng (Nhà Q)
ThS. BSNT. Đặng Nhật Quang