Ngày 12/5/2017, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, ra mắt Câu lạc bộ Ngoại ngữ và Hưởng ứng tháng “Vận chuyển người bệnh an toàn”. Tham dự buổi lễ, về phía Hội Điều dưỡng Hà Nội có Ths. Nguyễn Thị Việt Nga – Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Nội Về phía chuyên gia Nhật có bà Ikarasshi, bà Desilva, chuyên gia Dự án Đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng mới tốt nghiệp tại Việt Nam; Về phía Bệnh viện Bạch Mai, có GS. TS. Đỗ Doãn Lợi- Phó giám đốc bệnh viện; PGS.TS. Trần Thúy Hạnh- Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai; PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Hồng- Chủ tịch Công đoàn, và đông đảo lãnh đạo, Điều dưỡng trưởng các viện/khoa/phòng cùng các thành viên Câu lạc bộ.
Chất lượng bệnh viện, phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của người điều dưỡng
Bà Florence Nightingale - Người sáng lập ra ngành Điều dưỡng hiện đại sinh ngày 12/05/1820, trong một gia đình giàu có ở Anh và được giáo dục chu đáo. Bà biết nhiều nghề, đọc nhiều sách triết học, tôn giáo, chính trị. Ngay từ nhỏ, bà đã thể hiện thiên tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo khổ. Bà đã vượt qua sự phản kháng của gia đình (khi biết bà quyết tâm theo ngành Điều dưỡng, bố mẹ Bà đã tuyệt thực vì không muốn con theo nghề Điều dưỡng) để vào học và làm việc tại BV Kaiserswerth (Đức) năm 1847. Năm 1853, bà theo học ở Paris, Pháp. Giai đoạn 1854 – 1855, chiến tranh Krim nổ ra, bà đã cùng 38 phụ nữ Anh khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các thương binh của quân đội hoàng gia Anh. Tại đây, bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và sau hai năm bà đã làm giảm tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Năm 1860, bà Florence Nightingale xây dựng trường điều dưỡng và chương trình đào tạo 1 năm. Đây là nền tảng, là những viên gạch đầu tiên cho hệ thống đào tạo điều dưỡng ở Anh và trên thế giới sau này.
Năm 1910, bà Florence Nightingale qua đời, thọ 90 tuổi. Chính phủ Anh cho phép an táng bà tại nghĩa trang Westminester Abbey nhưng gia đình bà từ chối và đưa về an táng tại nghĩa trang nhà thờ St. Margaret tại Wellow, Hampshire. Để tưởng nhớ công lao của bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà bà Florence đã dày công xây dựng, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã quyết định lấy ngày 12/05 hàng năm là ngày sinh của bà, làm Ngày Điều dưỡng Quốc tế. Bà Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của Ngành Điều dưỡng thế giới.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS. TS. Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Công tác chăm sóc người bệnh là 1 trong 7 nhiệm vụ chính trị quan trọng của bệnh viện. Những thành tựu nổi bật trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn lao của tập thể điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của bệnh viện. Bởi ngoại trừ thời gian các bác khám và sĩ kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng chính là người tiếp xúc với người bệnh, chăm sóc, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh. Từ các kỹ thuật chuyên môn như tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt… cho đến việc là người chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp người bệnh làm quen với môi trường bệnh viện để an tâm điều trị, đưa đón bệnh nhân chuyển khoa, chuyển viện, hoặc đi khám chuyên khoa, điều dưỡng luôn là người lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ người bệnh. Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của những người điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh.
GS. TS. Đỗ Doãn Lợi đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian qua. Công tác điều dưỡng đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều thành tích nổi bật về mọi mặt: Công tác chuyên môn chăm sóc người bệnh, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế dần khẳng định vai trò không thể thiếu của đội ngũ điều dưỡng với hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện…
Ra mắt Câu lạc bộ Ngoại ngữ Bệnh viện Bạch mai
Ngày nay, tiếng Anh đã trở thành một công cụ rất hữu ích và phổ biến trong cuộc sống, học tập và công việc trên toàn thế giới. Với sự phát triển và giao lưu văn hóa, học tập giữa các nước trong ngành y, tiếng Anh càng trở nên cần thiết đối với nhân viên y tế. Việc trang bị các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ này giúp cho con người trao đổi thông tin, chia sẻ các nền văn hóa, chính trị, kinh tế, y tế…giữa các quốc gia với nhau.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt của cả nước, là điểm đến của nhiều chuyên gia y tế trên thế giới sang học tập, nghiên cứu, làm việc trao đổi các công tác chuyên ngành, quản lý y tế. Đội ngũ bác sỹ cũng như điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh có nhiều cơ hội tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài, giao lưu học tập ở các nước tiên tiến về y học trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đan Mạch, Đài Loan, Thái lan. Vì thế việc nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là nhu cầu cần thiết hơn bao giờ hết để giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế y tế như hiện nay. Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó cũng như mong muốn được học tập, giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh của bản thân các Đ D/KTV/HS bệnh viện, Ban Giám đốc đã phê duyệt đề án ký quyết định thành lập Câu lạc bộ Ngoại ngữ Bệnh viện Bạch Mai. Với hơn 180 thành viên tham gia, Câu lạc bộ hứa hẹn sẽ làm sân chơi thật bổ ích cho các Đ D/KTV/HS trau dồi năng lực sử dụng tiếng Anh cũng như chia sẻ công tác chuyên môn với nhau. Với tôn chỉ, mục đích cùng giúp nhau tiến bộ, tập thể Điều dưỡng/KTV/HS bệnh viện Bạch Mai sẽ cố gắng những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà cần thông thạo ngoại ngữ để liên tục cập nhật các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến trên thế giới, góp phần ứng dụng vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được hiệu quả hơn, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, với thương hiệu 105 năm Bệnh viện Bạch Mai.
Phát động phong trào “Đảm bảo an toàn cho người bệnh trong vận chuyển”
Hiện nay ngành điều dưỡng của thế giới đã được xếp là một ngành nghề riêng biệt, ngang hàng với các ngành nghề khác. Có nhiều trường đào tạo điều dưỡng với nhiều trình độ điều dưỡng khác nhau: trung học, đại học, sau đại học. Nhiều cán bộ điều dưỡng đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều công trình nghiên cứu khoa học điều dưỡng nhằm nâng cao phát triển thực hành điều dưỡng.
Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế Bà Judith Shamian đã phát biểu: “Sự giàu mạnh của mọi quốc gia phụ thuộc vào sức khỏe của mọi người dân trong đất nước đó. muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thì phải chú ý phát triển công tác điều dưỡng”. Câu nói đó một lần nữa khẳng định vai trò Điều dưỡng giúp đạt các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định “Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do người điều dưỡng – hộ sinh cung cấp tác động lớn tới sự hài lòng của người bệnh”.
Chính vì vậy, ngày 12.05 không chỉ là ngày kỷ niệm sinh nhật của Florence Nightingale mà còn là ngày công nhận chất lượng và sự vững mạnh của ngành Điều dưỡng.
Trước năm 1900, điều dưỡng chỉ đóng vai trò phụ giúp bác sĩ. Nhưng qua quá trình hình thành và phát triển, Hội Điều dưỡng Việt Nam từ chỗ bắt đầu có 300 hội viên, nay đã có trên 80 nghìn hội viên tham gia hội và là một hội nghề phát triển lớn nhất trong các hội nghề nghiệp Ngành Y tế. Có thể nói, Điều dưỡng Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập. Nhiều điều dưỡng giỏi chuyên môn luôn chủ động cập nhật, phát triển chăm sóc dựa vào khoa học bằng chứng.
Ths. Bùi Minh Thu, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện Bạch Mai trên 100 năm tuổi, người điều dưỡng qua các thời kỳ từ kháng chiến chống Pháp Mỹ đến nay đều tận tâm tận huyết vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ ứng dụng kiến thức vào công tác chăm sóc người bệnh tại các đơn vị khoa phòng.
Điều dưỡng bệnh viện đã tham gia tích cực trong công tác chăm sóc người bệnh, đặc biệt trong các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu như ghép thận, ECMO, thay huyết tương, cấp cứu hạ thân nhiệt, ghép tủy, IVF…
Cũng trong dịp này, Phòng Điều dưỡng đã phát động phong trào “Đảm bảo an toàn cho người bệnh trong vận chuyển” bằng các việc làm cụ thể như sau:
- Nghiêm túc, tập trung rà soát, sửa chữa các thiết bị vận chuyển có nguy cơ không an toàn
- Bổ sung thiết bị, cơ sở phục vụ vận chuyển người bệnh an toàn
- Cập nhật kỹ thuật, kỹ năng, đổi mới thái độ liên quan đến vận chuyển người bệnh an toàn.
- Quan tâm tới ý kiến của người bệnh, Người nhà nhằm hướng tới chất lượng an toàn cho người bệnh.
Trong thời gian tới, với sự ủng hộ đặc biệt của Đảng ủy, Ban giám đốc, của lãnh đạo các đơn vị, với những nền tảng sẵn có của đội ngũ điều dưỡng bệnh viện, Ths Thu khẳng định đội ngũ điều dưỡng sẽ quyết tâm duy trì và phát triển nghề nghiệp, vững bước đi lên để trở thành những người điều dưỡng Chuyên nghiệp, đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh./.
Đỗ Hằng