Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA DỰ ÁN TENKAI THUỘC TRUNG TÂM QUỐC GIA Y TẾ VÀ SỨC KHỎE TOÀN CẦU (NCGM), NHẬT BẢN ĐẾN LÀM VIỆC VỀ “GÓI DỰ PHÒNG VIÊM PHỔI LIÊN QUAN ĐẾN THỞ MÁY (VAP)”

Sáng ngày 17 tháng 06 năm 2024, Bệnh viện Bạch Mai làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Quốc gia Y tế và Sức khỏe toàn cầu (NCGM), Nhật Bản về: “Gói dự phòng viêm phổi liên quan đến thở máy (VAP) thuộc Dự án TENKAI nhằm giảm tỉ lệ viêm phổi liên quan đến thở máy.

Tiếp đoàn, về phía Bệnh viện Bạch Mai có PGS. TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị có thở máy của Bệnh viện: Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Hô hấp, Nhi khoa, Đột quỵ, Chống độc, Cấp cứu A9, Thần kinh…; Đại diện các phòng ban chức năng: Văn phòng Bệnh viện, Kế hoạch tổng hợp, Quản lý chất lượng và Điều dưỡng. Về phía NCGM có TS. BS. OKAMOTO Tatsuya - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, làm trưởng đoàn và đoàn công tác.

PGS. TS. Vũ Văn Giáp (áo blue trắng, đứng giữa) và các cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai chụp ảnh lưu niệm cùng TS. BS. OKAMOTO Tatsuya và đoàn công tác

 

Tại cuộc họp, hai Bên đã được nghe báo cáo của PGS.TS. Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực về nội dung triển khai Gói dự phòng VAP gồm 10 biện pháp: 1. Vệ sinh tay; 2. Tư thế nằm; 3. Chăm sóc răng miệng; 4. Tránh an thần sâu; 5. Quản lý dây máy thở; 6. Quản lý Cuff; 7. Hút trên Cuff; 8. Cai thở máy sớm và SBT (spontaneous breathing trial); 9. Rời giường sớm và 10. Dự phòng loét dạ dày và tá tràng đang được tiến hành tại Trung tâm Hồi sức tích cực từ năm 2018. PGS. TS. Đỗ Ngọc Sơn cho biết, sau khi áp dụng 10 biện pháp dự phòng tại Trung tâm Hồi sức tích cực, tỉ lệ VAP đã có xu hướng giảm dần theo thời gian và có thời điểm tỉ lệ VAP đã giảm xuống dưới 10%. Từ những kết quả khả quan đạt được, năm 2023, Bệnh viện đã nhân rộng việc áp dụng 10 biện pháp dự phòng VAP tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại - Trung tâm Gây mê hồi sức. Bên cạnh đó, hàng năm, bệnh viện Bạch Mai tổ chức đào tạo lý thuyết về VAP và Gói dự phòng VAP cho hơn 150-170 bác sĩ cao học, CKI; 100-150 bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện tuyến tỉnh và các đơn vị thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt là các đơn vị có thở máy của Bệnh viện như C1 Viện Tim mạch, Trung tâm Hô hấp, Trung tâm Bệnh nhiệt đới... Ngoài ra, Bệnh viện cũng phối hợp cùng Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tổ chức sinh hoạt khoa học trực tuyến hàng tuần với sự tham gia của gần 300-500 cán bộ Bệnh viện và các bệnh viện khu vực phía Bắc.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện đánh giá cao các hoạt động của dự án. Các kết quả đạt được trong công tác lâm sàng và trong đào tạo Gói dự phòng VAP một lần nữa cho thấy sự thành công của việc hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Quốc gia Y tế và Sức khỏe toàn cầu Nhật Bản. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, PGS.TS. Vũ Văn Giáp đề xuất: Thành lập nhóm hỗ trợ VAP (VAP Support Team - VST) gồm nhóm quản lý do Giám đốc bệnh viện là trưởng nhóm và nhóm nòng cốt là các bác sĩ, điều dưỡng HSTC, GMHS, nhân viên Kiểm soát nhiễm khuẩn, KTV Phục hồi chức năng và nhân viên các đơn vị có thở máy tại bệnh viện - đồng thời mời TS. BS. Okamoto và các chuyên gia NCGM tham gia với tư cách cố vấn chuyên môn. Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ, bệnh viện sẽ sớm áp dụng Gói dự phòng VAP tại tất cả các đơn vị hồi sức của bệnh viện đồng thời triển khai hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới và bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về kế hoạch thực hiện nghiên cứu về Gói dự phòng VAP cũng như xây dựng quy trình PCDA (chu trình cải tiến liên tục) nhằm nâng cao chất lượng thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS. Okamoto Tatsuya - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, NCGM hoàn toàn nhất trí với các đề xuất của Bệnh viện và bày tỏ sự vui mừng về các hợp tác với Bệnh viện Bạch Mai cũng như các kết quả đạt được sau khi áp dụng Gói dự phòng VAP. Ông cũng chia sẻ về kế hoạch triển khai Dự án TENKAI năm 2024 - Dự án đào tạo về quản lý hô hấp nhằm giảm tỉ lệ mắc viêm phổi liên quan đến thở máy tại 2 Bệnh viện trung tâm tại Việt Nam là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 108. TS. BS. Okamoto cho biết, một trong các nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ mắc VAP cao là do người bệnh đã được điều trị về VAP ở tuyến dưới trước khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ông nhấn mạnh việc duy trì tuân thủ 10 biện pháp dự phòng cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng rất quan trọng. Cần có bảng kiểm đánh giá định kỳ theo ngày, theo tuần, theo tháng để đưa ra các cảnh báo cũng như các biện pháp điều chỉnh việc áp dụng trong thực tế một cách đầy đủ và đem lại nhiều lợi ích nhất cho người bệnh.

PGS. TS. Vũ Văn Giáp và TS. BS. OKAMOTO Tatsuya cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động triển khai Dự án TENKAI

​​​​​​Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, đoàn công tác đã phối hợp với Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai: Tổ chức đào tạo Gói dự phòng VAP cho gần 20 bác sĩ, điều dưỡng khối hồi sức, cấp cứu, chống độc của Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Giảng bài về “Nguyên nhân, chẩn đoán và giải pháp phòng ngừa Viêm phổi liên quan đến thở máy (VAP)” và “Chăm sóc bệnh nhân thở máy” cho hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng khối hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và gần 140 cán bộ y tế tham dự trực tuyến từ các đầu cầu trên toàn quốc; Đi buồng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tại giường tại Trung tâm Hồi sức tích cực và Khoa Hồi sức tích cực Ngoại - Trung tâm Gây mê hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong khuôn khổ hợp tác, Bệnh viện Bạch Mai cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm Quốc gia Y tế và Sức khỏe toàn cầu (NCGM), Nhật Bản triển khai thành công Dự án TENKAI.

Tin Hợp tác quốc tế - Văn phòng Bệnh viện

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image