Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản: Trên 2.000 bệnh nhân được đưa vào chương trình quản lý

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Hen phế quản (BPTNMT&HPQ) đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp mọi cố gắng trong chẩn đoán, điều trị và nỗ lực trong quản lý.

hoinghitructuyenhhgui1

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học tỷ lệ mắc BPTNMT là 4,1% ở người trên 40 tuổi, một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ gia đình châu Á năm 2105 nhận định Việt Nam là nước có tần suất BPTNMT là 9,4%, có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bên cạnh đó HPQ là một bệnh hô hấp không lây nhiễm, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

hoinghitructuyenhhgui2 1

Có thể nói hiện nay BPTNMT&HPQ đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống bởi những hậu quả do đợt kịch phát mà BPTNMT&HPQ nếu không được kiểm soát, gây ra như: tử vong, tàn phế, hay gánh nặng chi phí khi nhập viện. Tuy nhiên người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, năm 2010 chính phủ Việt nam đã phê duyệt chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và Bộ Y tế đã giao cho bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chương trình đang tiến đến các cột mốc cuối cùng nhằm hoàn thành giai đoạn 2 (2016-2020) thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số.

anhpvpgshanh1 1

Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai: Từ năm 2016 cho đến nay, Dự án đã tổ chức khám sàng lọc được hơn 50.000 người dân trên cả nước, trong đó phát hiện được trên 2.000 bệnh nhân mắc BPTNMT&HPQ để đưa vào chương trình quản lý. Trong công tác đào tạo, hơn 2.000 cán bộ nhân viên y tế đã được đào tạo trong công tác chuẩn đoán và điều trị và đặc biệt là kỹ thuật viên y tế đo chức năng hô hấp.

Song song với việc khám sàng lọc và đào tạo còn có những hoạt động khác như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuẩn đoán và điểu trị mới. Hiện tại đã có 4 đầu sách đã được xây dựng và đã được phát tới các tỉnh trong toàn quốc. Ngoài ra chúng tôi còn phối hợp với các dự án truyền thông, đăng tải báo chí, xây dựng các video hình ảnh trên truyền hình để có thể truyền tải được rộng rãi đến người dân trong cả nước. Chúng tôi còn tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt bệnh nhân trên toàn quốc và đã có hàng nghìn bệnh nhân tham gia.

Tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới quản lý về BPTNMT&HPQ tại 63 tỉnh thành trên cả nước với 94 phòng quản lý ở các tuyến tỉnh, 125 phòng quản lý tại các tuyến huyện và 2.122 trạm y tế tại các tuyến xã. Với những bước đầu như vậy chúng tôi đã có những kết quả nhất định trong việc chuẩn đoán sớm cho bệnh nhân để tránh những biến chứng suy hô hấp mạn tính rồi những biến chứng gây nặng về hô hấp của bệnh nhân.

anhpvpgshanh3 1

BPTNMT&HPQ là một bệnh hô hấp mạn tính, quá trình viêm nhiễm vẫn tiến triển theo thời gian, cho nên việc điều trị phải duy trì thường xuyên và kéo dài. Trong quá trình điều trị bệnh sẽ có những đợt cấp (là đợt bùng phát bệnh nặng hơn, những triệu chứng ho, khó thở tăng lên rồi khạc rất nhiều đờm và có các dấu hiệu nhiễm trùng khác hay dấu hiệu biến chứng của bệnh), bắt buộc người bệnh sẽ phải khám lại bác sĩ, những đợt cấp nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà nhưng những đợt cấp nặng thì sẽ phải nhập viện.

Cuối cùng PGS.TS Chu Thị Hạnh đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân: Phải tuyệt đối tuân thủ việc điều trị và sự hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị và dùng thuốc, khi tuân thủ tốt chúng ta sẽ giảm thiểu được những đợt cấp, vì đợt cấp sẽ làm cho chức năng hô hấp của chúng ta ngày càng kém hơn, nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cao hơn và chất lượng cuộc sống giảm đi.

Hội nghị tổng kết giai đoạn 2016-2020 Dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản là hoạt động quan trọng nhằm tổng kết các kết quả đã đạt được của không chỉ Ban Điều hành Dự án Trung ương mà còn ghi nhận những kết quả tích cực và hết sức khả quan của 63 tỉnh thành trên cả nước. Hội nghị diễn ra chiều 28/9/2020 theo hình thức trực tuyến với hơn 100 đầu cầu trên 63 tỉnh thành trên cả nước.

Bài, ảnh: Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image