Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước. Ngoài nhiệm vụ thực hiện khám chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bệnh viện thường xuyên quan tâm tâm đến công tác khám chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách ở các vùng sâu, biên giới, hải đảo...Theo ước tính mỗi năm bệnh viện đã cùng với các nhà tài trợ hảo tâm dành khoảng gần 1 tỷ đồng đến với nhiều vùng quê nghèo của đất nước. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai về hoạt động từ thiện của bệnh viện.
PV: Chuyến công tác từ thiện của bệnh viện lần này đến với nhân dân xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là lần thứ 3 trong năm nay của bệnh viện về với nhân dân, lý do nào khiến lãnh đạo bệnh viện thường xuyên tổ chức các đoàn khám từ thiện như vậy, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh: Bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân là việc đương nhiên, ai cũng hiểu. Thương hiệu Bạch Mai đã có truyền thống hơn 100 năm nay và là thương hiệu không chỉ của riêng cán bộ thầy thuốc đang công tác tại bệnh viện mà còn là thương hiệu chung của cả ngành y tế. Có được tên Bạch Mai như hôm nay là sự đóng góp của nhiều thế hệ thầy thuốc đi trước.Có người đã ngã xuống để giữ gìn thương hiệu quý giá này. Chúng tôi những cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai hôm nay có trách nhiệm phải gìn giữ và phát huy thương hiệu Bạch Mai được sáng mãi. Và Bạch Mai không chỉ giang rộng cánh cửa để đón bệnh nhân về mà chúng tôi đã và đang đưa thương hiệu Bạch Mai đi khắp mọi miền đất nước. Hành trình thiện nguyện như thế này là cách để bác sĩ Bạch Mai về với dân, gần dân, hiểu nhân dân nhiều hơn nữa.
PV: Như trên ông vừa nói, hành trình thiện nguyện về với dân là cách để các thầy thuốc của bệnh viện hiểu nhân dân hơn nữa, vậy qua các chương trình khám chữa bệnh từ thiện như năm qua, ông và các thầy thuốc của bệnh viện đã chiêm nghiệm được những điều gì?
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh: Về với nhân dân chúng tôi đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của nhân dân nhiều vùng đất nước. Đất nước ta đã có sự phát triển về nhiều mặt kinh tế xã hội nhưng nhân dân ở nhiều vùng xa xôi đời sống tuy có cải thiện hơn nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Với mỗi chuyến đi công tác từ thiện như thế này, chúng tôi đã lựa chọn những bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng trực tiếp khám chữa bệnh cho bà con. Ví như chuyến đi về với Quảng Bình này, trong thành phần của bệnh viện có PGS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa hồi sức tích cực; PGS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc…các anh, các chị công việc chuyên môn rất bận rộn nhưng về với nhân dân trong hành trình thiện nguyện là họ lại sẵn sàng lên đường. Cảm nhận của mỗi chuyến đi từ thiện rất khác nhau nhưng có niềm vui chung là được sống giữa tình cảm của nhân dân để sau mỗi đợt khám từ thiện, cán bộ y tế chúng tôi thêm yêu nghề, gắn bó mật thiết với nhân dân hơn nữa.
PV: Thưa ông, ngành y tế đã có sẵn con người để về nhân dân nhưng kinh phí cho mỗi chuyến thiện nguyện là vô cùng khó, kinh nghiệm nào để bệnh viện có những năm thành lập từ 3-5 đoàn khám từ thiện như vậy?
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh: Bệnh viện không có bí quyết hay kinh nghiệm nào gọi là cao siêu cả. Chúng tôi chỉ có tâm niệm là hãy làm việc bằng trái tim và khối óc của mình đi. Các nhà tài trợ, giờ họ rất tinh và lựa chọn gửi gắm niềm tin cả đấy.Vì vậy, hiệu quả của mỗi chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện phải đặt lên hàng đầu. Bác sĩ có chuyên môn vững vàng và trong nhiều chuyến khám chữa bệnh từ thiện là những chuyên gia đầu ngành của cả ngành y tế đều có mặt trong mỗi chuyến đi của chúng tôi. Có làm việc cật lực và đem hết cả tầm lòng thì các nhà tài trợ sẽ tìm đến. Chúng tôi ước tính rằng, mỗi chuyến đi như thế này chi phí khoảng gần 200 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ từ các nhà Mạnh thường quân là sự đóng góp của cán bộ trong bệnh viện để có được nhiều cuộc hành trình về với nhân dân như thế nữa.
PV: Cảm ơn ông
Theo Sức khỏe và Đời sống