BV Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hóa thế nào, thưa ông?
Chủ trương xã hội hóa đã được ngành y tế vận dụng để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tại BV Bạch Mai, kinh phí Nhà nước cấp hàng năm chỉ bằng 2% so với mọi chi phí hoạt động của BV. Với 2% đó, chúng tôi chỉ đủ chi trả 20% lương cho cán bộ, nhân viên. Do đó, BV Bạch Mai đã vận dụng linh hoạt chính sách xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân.
Hiện tại BV có hệ thống labo xét nghiệm sinh hóa hiện đại nhất khu vực châu Á trị giá 2 triệu đô la Mỹ. Bạch Mai cũng là cơ sở thứ 2 sau Mỹ có dao Gamma quay, giá hơn 2 triệu đô la Mỹ để điều trị khối u não chính xác.
Bên cạnh những lợi ích, mặt trái của xã hội hóa khiến người bệnh chịu thiệt thòi vì nhà đầu tư mong thu hồi vốn và lãi, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi khẳng định, tại BV Bạch Mai, không phải trang thiết bị xã hội hóa nào cũng có lợi nhuận. Đơn cử tại BV chúng tôi việc đầu tư dao Gamma quay giúp điều trị u não mà không cần phẫu thuật mở hộp sọ (nếu phẫu thuật mở hộp sọ điều trị u não cho 10 ca thì 8 ca tử vong, riêng phẫu thuật bằng dao Gamma quay BV thực hiện trên 3.000 ca chưa tử vong ca nào).
Với thiết bị này hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống, nhiều đề tại khoa học đã được báo cáo. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị này hiện đang bị lỗ nặng, vì giá một lần phẫu thuật chỉ 25 triệu đồng, trong khi thực hiện tại BV của Mỹ có giá hơn 300 triệu đồng/ca. Ngoài ra, đầu tư thiết bị PET CT cũng không hiệu quả về mặt kinh tế.
Tôi dám khẳng định 2 thiết bị hiện đại này được góp từ nguồn vốn xã hội hóa (hãng sản xuất đặt máy tại BV) sẽ không thu hồi được vốn cho đến lúc máy hỏng. Dù không hiệu quả về kinh tế nhưng BV và hãng sản xuất máy chấp nhận vì người bệnh được hưởng lợi từ những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới này. Lợi ích mà BV được hưởng là triển khai được máy móc hiện đại mà không mất tiền mua, còn hãng sản xuất thiết bị khẳng định được thương hiệu.
Đối với các trang thiết bị khác, số lượng đầu tư bằng nguồn xã hội hóa không nhiều, nhưng mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa mỗi ngày trả 4.000 kết quả cho bệnh nhân.
Nếu không có xã hội hóa sẽ không có BV Bạch Mai hiện nay vì không có nguồn vốn để phát triển các kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Lợi nhuận thu được từ những thiết bị xã hội hóa không được chia hết cho cán bộ nhân viên mà được dùng để duy trì hoạt động của BV như mua những máy móc không thực hiện xã hội hóa được như máy mê, máy thở, máy Ecmo.
Lợi nhuận từ hệ thống máy xét nghiệm nằm ở lượng hóa chất thực hiện xét nghiệm. Phải chăng đây là kẽ hở để móc tiền bệnh nhân bằng cách chỉ định làm nhiều xét nghiệm?
Đúng là hãng sản xuất thu tiền vốn và lãi nhờ hóa chất. Tại những BV khác tôi không nắm được, nhưng tại BV Bạch Mai chúng tôi khống chế giá hóa chất xét nghiệm phải bằng giá thầu trên cả nước. Hãng đặt máy bắt buộc phải chấp nhận không được đẩy giá hóa chất lên cao để thu lợi nhiều. Tôi khẳng định giá thực hiện xét nghiệm tại BV Bạch Mai không cao hơn nhiều so với giá được Bộ Y tế phê duyệt.
Nhưng mặt trái của xã hội hóa y tế là không tránh khỏi?
Đúng thế! Vẫn có nơi lạm dụng, quan trọng là người đứng đầu phải giám sát thường xuyên, nếu phát hiện đơn vị mình lạm dụng chụp, chiếu cần chấn chỉnh ngay. Đừng đổ lỗi cho máy móc, cho xã hội hóa mà do chính con người, lạm dụng cũng là do cách quản lý chưa tốt. Đối với BV Bạch Mai, quy trình kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ, nên không xảy ra chuyện lạm dụng trang thiết bị xã hội hóa để trục lợi.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, không nên duy trì hai hình thức cung cấp dịch vụ công và tư trong cùng một BV công?
Tôi hoàn toàn đồng ý với một điều kiện, Nhà nước trả đủ lương cho cán bộ nhân viên y tế và lo đủ máy móc trang thiết bị hiện đại để chúng tôi có thể triển khai các kỹ thuật tiên tiến, cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Còn nếu bây giờ có lệnh cấm tất cả các máy xã hội hóa ngừng hoạt động, chắc chắn sẽ có không biết bao nhiêu bệnh nhân bị đe dọa về tính mạng. Tôi đồng ý công ra công, tư ra tư, nhưng đầu tư của Nhà nước phải theo kịp được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong Online