Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Gia tăng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng

Thời tiết thay đổi, không khí ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc, vi rút, vi khuẩn phát triển, nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai nhiều trẻ đến khám và nhập viện vì các bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, hen phế quản, tiêu chảy, trong đó số trẻ bị bệnh chân tay miệng do chiếm tỉ trọng khá lớn.

Theo các chuyên gia nhi khoa, thời điểm này, dịch bệnh chân tay miệng tại Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm với số bệnh nhi phải nhập viện tăng mạnh. Số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 13/3/2016, toàn thành phố đã ghi nhận 176 trường hợp mắc, rải rác tại 19 quận, huyện, trong đó có 2 ca dương tính với virus EV71. Dù các ca mắc còn rải rác và chưa có trường hợp nào tử vong nhưng số liệu cho thấy có sự gia tăng nhanh chóng số trẻ mắc bệnh này trên địa bàn trong thời gian từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016.

Trong khi đó, tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Ths.BS. Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa cho biết sáng 22/3, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 3-5 trường hợp đến khám được xác nhận mắc bệnh chân tay miệng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ và được điều trị ngoại trú. Theo Ths. Nguyễn Thành Nam, do thời tiết nắng mưa thất thường, đi kèm với sự di dân, nhiều công trường xây dựng mọc lên, dịch bệnh sẽ ngày càng diễn biến phức tạp do bệnh rất dễ lây truyền qua đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn.

 ctm.jpg

Một số dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh chân tay miệng

Các chuyên gia cũng lo ngại các dịch bệnh mùa đông xuân có nguy cơ bùng phát như thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp…có nguy cơ diễn biến thành những ổ dịch lớn. Đặc biệt, bệnh chân tay miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm trẻ 3 tuổi đang đi học mẫu giáo, mầm non. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn vì khả năng miễn dịch thấp.

Ths. Nguyễn Thành Nam cho biết, trẻ mắc chân tay miệng thường diễn biến trong khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Vì vậy những trẻ  nhẹ, có thể theo dõi, điều trị tại nhà để tránh lây chéo. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến rất nhanh với 3 biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong là viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Nếu thấy bé giật mình chới với, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân… cần  đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Cũng theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng trong giai đoạn khởi bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác như: viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não…Có thể nghĩ đến tay chân miệng khi thấy các biểu hiện, triệu chứng sau: các bóng nước (nốt ban) xuất hiện nhanh trên niêm mạc miệng và vỡ ra tạo thành những vết loét, trẻ rất đau khi ăn, tăng tiết nước bọt, bóng nước cũng xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay và lòng bàn chân; với bệnh viêm da mủ: các ban gây đau, đỏ, có mủ, không có vết loét trong niêm mạc miệng; với bệnh thủy đậu: các ban nổi rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào.  

Trước diễn biến dịch bệnh chân tay miệng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và khử khuẩn môi trường (sàn nhà, đồ đạc, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay…); Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (kể cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo thức ăn cho trẻ đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Trường hợp trẻ bị bệnh chân tay miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp hiệu quả nhất phòng các bệnh truyền nhiễm.

Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image