Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai: Giải bài toán chống quá tải bệnh viện cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Sáng ngày 31/10,, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc với Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến đã quan sát, lắng nghe và chia sẻ những băn khoăn, trăn trở cho công tác giải bài toán quá tải bệnh viện…
“Đau lòng khi nhìn cảnh bệnh nhân phải nằm ghép”
Sáng sớm thứ 2 đầu tuần, nhưng tại các khoa của Bệnh viện Bạch Mai đã có rất đông bệnh nhân đến khám và chờ đợi được nhập viện điều trị. Trước khi vào làm việc với các cán bộ chủ chốt của bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã dành gần 2 giờ đồng hồ để đi thăm trực tiếp bệnh nhân đang điều trị tại các Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Viện Tim mạch Quốc gia, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Khám bệnh... Đến khoa phòng nào, Bộ trưởng cũng đau đáu một niềm hy vọng làm thế nào để không còn tình trạng quá tải, để người bệnh không phải nằm chung giường. Bộ trưởng chia sẻ “không phải riêng tôi mà chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nhìn cảnh người bệnh đã ốm lại phải chịu cảnh nằm chung chật chội khi vào viện…”
Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai báo cáo: lượng bệnh nhân nội trú điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai liên tục tăng theo các năm. Năm 2010 tăng 30 % so với năm 2006, riêng lượng bệnh nhân điều trị nội trú có thẻ BHYT tăng 60%. Lượng bệnh nhân ngoại trú đến khám tại bệnh viện cũng liên tục gia tăng với gần 800.000 lượt bệnh nhân năm 2010. Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Bạch Mai phổ biến tại 25/26 chuyên khoa, trong đó có một số chuyên khoa thường quá tải khoảng trên dưới 200% như Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Viện Tim mạch Quốc gia, Khoa Thận- tiết niệu, Khoa Hô hấp, Khoa Thần kinh. Trước thực trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đã quyết liệt triển khai một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị và giảm thời gian điều trị, đồng thời chuẩn hóa các phác đồ điều trị (đến nay bệnh viện đã chuẩn hóa 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn), đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ giường bệnh; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đi đôi với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cho tuyến dưới… do đó, tỷ lệ quá tải của bệnh viện đã giảm từ 217% năm 2007 xuống còn 157% năm 2010.
Sẽ trình Chính phủ Đề án giảm tải bệnh viện
Đánh giá cao những nỗ lực của Bệnh viện Bạch Mai trong việc chống quá tải bệnh viện, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ, việc chống quá tải bệnh viện không chỉ làm ngày một ngày hai mà cần phải có lộ trình thực hiện và cần phải có sự hỗ trợ cả về cơ chế và chính sách của nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất. Về phía các bệnh viện, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong khám chữa bệnh; thực hiện sàng lọc bệnh nhân thật tốt và mở rộng điều trị ngoại trú, xây dựng Bệnh viện Ban ngày kết hợp với nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, đẩy mạnh thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai và Đề án 1816 để giảm tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, góp phần thực hiện ngày càng có hiệu quả công tác chống quá tải bệnh viện…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 7 nhiệm vụ mà ngành y tế đề ra và cố gắng thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, việc giải bài toán chống quá tải bệnh viện giúp người dân không phải chịu cảnh nằm ghép, chờ lâu, chật chội… khi đi khám chữa bệnh, không chỉ là mối quan tâm, là khát khao của ngành y tế mà còn cần có sự tham gia của cả hệ thống nhà nước, và cả xã hội có như thế sự nghiệp chống quá tải bệnh viện mới thành công thực sự, đem lại khởi sắc mới cho ngành y tế nước nhà. Do đó, tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức xây dựng Đề án Giảm tải bệnh viện để trình Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch…