Nhiều thông tin cho rằng hôn trẻ có thể khiến trẻ tử vong, việc đưa thông tin như vậy là phản khoa học. Tuy nhiên, hôn trẻ, thơm trẻ có thể truyền nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, việc yêu thương trẻ và cưng nựng ôm hôn mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.
Điều này giúp trẻ cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ cũng như người thân. Việc người khỏe mạnh ôm hôn trẻ là hết sức bình thường nhưng cần nhớ rằng người lớn đang bị cúm, sốt, hắt hơi thì không nên thơm má trẻ do virus có thể lây lan đến cơ thể trẻ.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai
Những căn bệnh dễ lây lan như các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Những người mắc bệnh tiêu hóa như ỉa chảy, rotavirus cũng tuyệt đối không được tiếp xúc với trẻ.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng trước đây có quan điểm cho rằng ôm hôn trẻ có thể khiến trẻ tử vong nhưng việc đưa thông tin như vậy là chủ quan và không chính xác. Hôn trẻ mà khiến trẻ tử vong thì ai dám hôn!
"Lây bệnh có rất nhiều nguyên nhân, bệnh có thể lây qua đường hô hấp nhưng điều đó không có nghĩa là có thể kết luận việc hôn trẻ gây tử vong. Với bất kỳ căn bệnh nào cần tìm hiểu môi trường sống, không khí, thời gian ủ bệnh mới có thể đánh giá về việc lây bệnh hay không. Ngoài ra, phải là những người chuyên môn về về dịch tễ, lâm sàng, vi sinh y học... kết luận mới chính xác.".
Về căn bệnh do virút RSV đang lan tràn, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là loại virút cổ điển, hay gặp và cũng gây căn bệnh đường hô hấp. Vì thế cha mẹ không cần quá lo lắng, nhưng những thời điểm chuyển mùa như thế này trẻ dễ mắc bệnh do thay đổi thời tiết nên cha mẹ cần chú ý hơn đối với sức khỏe của trẻ.
Nguy cơ nhiễm bệnh hô hấp cao khi thơm, hôn trẻ
Trẻ nhiễm RSV thường có triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Chủng virus này có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp nặng nhất là viêm tiểu phế quản. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.
Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin…
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà để không lây lan dịch bệnh ra những nơi công cộng hoặc những nơi đông người cũng như tránh lây chéo trong bệnh viện.
Trẻ có thể tự khỏi sau 1 tuần mắc nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời.
Nguồn Doisongvietnam.vn