Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

GS Đỗ Doãn Đại và những kí ức năm 1972

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm gặp GS. Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời kì 1969–1983, nhân chứng sống của 12 ngày đêm Mỹ ném bom B-52 xuống Hà Nội.

 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi tôi nhắc đến những ngày Thủ đô chìm trong khói lửa, trong mắt vị giáo sư này dường như vẫn chưa hết bàng hoàng và nguôi ngoai nỗi đau còn đó.

Tiếp tôi trong căn gác nhỏ trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), giáo sư Đỗ Doãn Đại lần giở lại những bức ảnh, tư liệu về thời kì ông làm giám đốc của Bệnh viện Bạch Mai. “Tính riêng năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua 4 lần bị giặc Mỹ oanh tạc. Nhưng vượt lên đau thương và mất mát, tất cả bác sĩ, y tá, cán bộ của bệnh viện vẫn vững vàng tinh thần, bình tĩnh di chuyển và cứu chữa bệnh nhân” – ông mở đầu câu chuyện.

Thời khắc kinh hoàng nhất, theo giáo sư Đỗ Doãn Đại, đó là 3h30-3h45 rạng sáng  ngày 22/12/1972, 21 lần máy bay B-52 đánh phá ác liệt khu vực Vĩnh Quỳnh, Định Công, Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển, Tương Mai và đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai. Tại khu vực Bệnh viện, giặc Mỹ đã ném hơn 100 quả bom đủ các cỡ, phá hủy phần lớn Trung tâm y tế lớn nhất của Thủ đô. Trong chốc lát, Bệnh viện thành bãi bom, gạch vụn đổ nát hoang tàn của chiến tranh hủy diệt.

Suốt đêm đó, có tới chục lần báo động, khoảng 300 bệnh nhân đã được đưa xuống các tầng hầm. “Lúc đó, tôi đang ở hầm khu tập thể Kim Liên, rất gần Bệnh viện Bạch Mai nên nghe rất rõ tiếng máy bay vào, sau đó phát hiện một quầng lửa đỏ lao xuống, đoán chắc là trúng bệnh viện nên tôi xách xe đạp chạy sang thì thấy tan nát hết, từ khoa nội, ngoại, tai mũi họng đến phòng làm việc… đều bị san phẳng, tan hoang.

Tiếng kêu cứu, khóc rên nghe xúc động không kể xiết. Chúng tôi phải nổ máy phát điện để cứu chữa, nấu cháo đường cho bệnh nhân ăn, tập hợp tất cả những gì còn lại để cứu chữa bệnh nhân, đồng nghiệp… Khoa Da liễu - Tai mũi họng bị thiệt hại nặng nề nhất, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn. Rất nhiều người mắc kẹt trong hầm. Tiếng kêu cứu vọng ra, âm ỉ. Tôi nằm bẹp xuống đất, bò lết vào trong. Khi bò vào trong hầm bị sập, đầu tiên tôi nắm trúng tay chị Ninh, một bác sĩ da liễu, toàn thân chị cứ run lên bần bật và may mắn cuối cùng cũng cứu được chị...

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, GS. Đỗ Doãn Đại không ít lần đưa tay lau nước mắt... Bệnh viện Bạch Mai sở hữu hệ thống hầm trú ẩn được tiếng là kiên cố an toàn, nên mỗi khi Hà Nội báo động, người dân xung quanh thường tìm đến nương náu nhờ. Bởi vậy nhiều ngày sau trận bom tang thương, GS Đỗ Doãn Đại vẫn luôn đeo đẳng cảm giác nặng nề: Liệu dưới những khối bê tông khổng lồ chết chóc kia, có còn xác thân ai bị bỏ sót? Và mãi đến năm 1975, khi Bạch Mai được xây mới hoàn toàn, những người thợ đào móng khu nhà từng bị phá hủy, không phát hiện thấy một bộ hài cốt nào, GS. Đại mới trút bỏ được nỗi ám ảnh và gánh nặng tâm lí đè lên vai suốt mấy năm trời.

Kể cho chúng tôi nghe về những ngày “chèo lái” Bệnh viện Bạch Mai thời kì gian khó đó, GS. Đại vẫn không quên sự kiện khi giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, một nửa bệnh viện đã lên đường sơ tán về Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Tây, một nửa trụ lại luôn là mục tiêu không kích của quân thù. Khi đó, có ý kiến cho rằng Bạch Mai cần phải đưa toàn bộ người và thiết bị tới nơi an toàn, nhưng là người chỉ huy, ông luôn nghĩ: người dân còn đây, bộ đội còn đây, Hà Nội còn đây, bệnh viện mà đi hết, đến khi cần lấy ai cứu chữa bệnh nhân. Và rồi, các bác sĩ, y tá của bệnh viện vẫn kiên cường, hiên ngang trong làn bom rơi của giặc Mỹ...

Có lẽ, hơn ai hết, vị giáo sư này chứng kiến và thấu hiểu nỗi mất mát to lớn mà gia đình, người thân và bản thân mỗi y, bác sĩ, cán bộ Bạch Mai đã trải qua trong những ngày cuối năm 1972. Chính vì vậy, dù khi còn tại vị hay nay đã về hưu, GS. Đại vẫn có thói quen đến Đài tưởng niệm ở Bệnh viện Bạch Mai để thắp nén nhang, tưởng nhớ các nạn nhân. Mỗi lần như vậy, ông lại mất ngủ mấy đêm liền...

Với GS Đại, những kí ức về Bạch Mai với đội ngũ y bác sĩ kiên cường ngày đó như vẫn còn vẹn nguyên, chưa thể phai mờ. Giờ đây, có dịp ôn lại, ông vẫn không quên nhắc những thế hệ kế cận, phải nỗ lực xây dựng bệnh viện to đẹp hơn, để xứng đáng với truyền thống anh hùng của bệnh viện. Và ông càng vui hơn khi chứng kiến diện mạo đổi thay, khởi sắc của bệnh viện Bạch Mai, mà trong đó có một phần công sức của con trai mình, PGS–TS, thày thuốc nhân dân Đỗ Doãn Lợi, hiện đang là Phó giám đốc Bệnh viện.

Nguồn hanoitv.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image