(CLO) Là một trong các bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực ung thư và y học hạt nhân ở Việt Nam, suốt mấy chục năm qua, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong việc trị bệnh cứu người tại Việt Nam.
Công nghệ chính là “chìa khóa” mở ra hướng chữa bệnh
GS.TS Mai Trọng Khoa là một trong những người tiên phong chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hoá trong chẩn đoán, điều trị ung thư và các bệnh lý khác từ các nước phát triển hàng đầu thế giới về ứng dụng thành công trong chuyên ngành y học hạt nhân và ung bướu tại Việt Nam.
Từ thực tế chẩn đoán điều trị hằng ngày và học tập nhiều năm ở nước ngoài, bác sĩ Mai Trọng Khoa nhận thấy rằng, điều trị ung thư là sự thách thức đối với ngành y khoa thế giới. Rất ít bệnh nhân được chẩn đoán đúng, sớm và việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều người bị tử vong. Cũng những bệnh như thế, nhưng ở nước ngoài có đủ phương tiện máy móc, có thể chẩn đoán được sớm và chính xác, điều trị được đúng và hiệu quả. Trong khi đó, ngay cả những bệnh viện ở tuyến Trung ương của nước mình cũng không đủ trang thiết bị, thuốc men để chữa trị đều phải nhập khẩu, khiến ông trăn trở rất nhiều.
“Nhìn một bệnh nhân rồi hàng trăm bệnh nhân ra đi, tôi cứ ao ước nếu như mình có máy móc, phương tiện và thuốc men đó, sẽ giúp và cứu sống được nhiều người bệnh”, GS.TS Mai Trọng Khoa trăn trở.
Với những người thầy thuốc, điều khiến họ day dứt nhất khi “lực bất tòng tâm”, nhìn bệnh nhân từ từ bị thần chết mang đi mà không cách nào ngăn được. Với mơ ước cứu sống được nhiều người bệnh, bác sĩ Khoa lao vào nghiên cứu tiếp cận với các kỹ thuật y khoa tiên tiến trên thế giới. Việc tiếp cận với cộng nghệ y khoa hiện đại ở Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… đã cho ông ý niệm: Công nghệ chính là “chìa khoá” mở hướng chữa bệnh. Nhưng công nghệ tiên tiến thì đắt tiền, chi phí điều trị mỗi ca rất cao, người bệnh có thu nhập trung bình sẽ rất khó được tiếp cận với kỹ thuật điều trị cao.
Có lẽ do xuất phát từ gia đình thuần nông ở một miền quê nghèo – bến phà Linh Cảm – vùng rốn bom của xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh (nơi đây đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết lên những bài ca đi cùng năm tháng), bác sĩ Mai Trọng Khoa đã đồng cảm với những người lao động bình thường, nhất là người mắc bệnh ung thư, họ đã vượt lên nỗi đau bản thân để chiến đấu với bệnh tật khiến họ rơi vào tình cảnh cùng kiệt. Bác sĩ Mai Trọng Khoa trong khi tìm mọi cách để đưa được công nghệ chữa bệnh tiên tiến về Việt Nam, vẫn trăn trở làm sao giải quyết hài hòa giữa vấn đề tiền và công nghệ, để khi có công nghệ mới, người bệnh có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được.
Thật vui, khi đưa ra những ý tưởng đó, ông được Ban lãnh đạo bệnh viện cũng như Bộ Y tế quan tâm và ủng hộ, cùng tìm phương thức để nhập các thiết bị hàng đầu thế giới về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau như hình thức xã hội hoá, liên kết liên doanh, đặc biệt có sự đồng chi trả từ phía bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi có máy móc, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng là một thách thức. Bởi cũng phương thức ấy, việc áp dụng lần đầu với người Việt không hoàn toàn giống người nước ngoài sao cho vừa hiệu quả cao vừa an toàn…
Nâng cao uy tín của nền y tế Việt Nam
Trước đây và hiện nay, việc chẩn đoán bệnh ung thư người ta vẫn dùng máy Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… là cần nhưng chưa đủ vì mới chỉ phát hiện được khi khối u đã hình thành và có kích thước đủ lớn, khi ấy việc điều trị khó khăn và hiệu quả thấp. Do vậy, GS. Mai Trọng Khoa và cộng sự đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT) để chẩn đoán ung thư và một số bệnh lý khác. Thiết bị PET/CT không những phát huy vai trò trong phát hiện sớm, chính xác các tổn thương ung thư di căn, tái phát sau điều trị mà còn có đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, từ đó có phác đồ điều trị hợp lý. Đặc biệt sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị đã đem lại hiệu quả điều trị ung thư cao và hạn chế được nhiều biến chứng của xạ trị. Ngoài ra, các bác sĩ còn nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị tiên tiến để điều trị ung thư; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.
Có một số bệnh lý, trước đây khó hoặc không thể chẩn đoán, điều trị được do thiếu phương tiện, thiết bị và nguồn nhân lực… thì hiện nay, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu BV Bạch Mai (Hà Nội) nhờ các kỹ thuật hiện đại mà nhiều ung thư và 1 số bệnh lý khác đã được chẩn đoán và điều trị thành công. Đã chuyển giao thành công một số kỹ thuật nói trên cho nhiều BV trong cả nước, giúp hàng ngàn người bệnh được khám và chữa bệnh, trở về cuộc sống lao động bình thường, nâng cao hơn uy tín của nền y tế nước nhà, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia ở khu vực châu Á làm chủ được một số kỹ thuật hiện đại nói trên.
Trong cuộc đời công tác và cống hiến của mình, GS Khoa cùng các cộng sự đã cứu chữa và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác, trong đó có không ít là các đồng nghiệp của mình. Họ là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng… ở nhiều bệnh viện khác nhau và ngay tại bệnh viện Bạch Mai, nơi ông đang công tác. Rất nhiều trong số đó, hiện đang sống và trở về với công việc và cuộc sống thường nhật. Một trong số BN, cũng là đồng nghiệp đã để lại cho ông và các đồng sự nhiều cảm xúc, đó là trường hợp của PGS.TS, bác sĩ cao cấp Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7 Viện Tim mạch (BV Bạch Mai). BS Hùng đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhờ được ứng dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại, đến nay đã được 5 hơn năm khi căn bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn 4B (giai đoạn cuối cùng) với nhiều di căn ở nhiều vị trí khác nhau, với nhiều lần tái phát – là minh chứng cho niềm say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học tiên tiến trên thế giới trong việc điều trị nhiều bệnh nan y.
Bác sĩ Mai Trọng Khoa cười hiền: “Tôi cho rằng mình là người may mắn vì có rất nhiều bạn bè, người thân trong gia đình và cộng sự giúp đỡ, bởi chỉ một mình thì không thể làm khoa học được”.
Với ánh mắt cương trực, quyết đoán và tính cách ôn hoà, chân tình, tôi tò mò hỏi ông: Là người say mê nghiên cứu khoa học, chắc hẳn ông có hậu phương vững chãi? Ông dí dỏm: “Tôi may mắn có bà xã hiểu và hy sinh tất cả mà chả đòi hỏi gì, thậm chí tôi còn bị chê là “vô tâm”. Nếu bà xã tôi không hiểu, chia sẻ, đồng thuận thì chắc rằng tôi chả làm được cái gì cả”.
Khi tôi hỏi về giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, ông nói: “Đây chính là phần thưởng dành cho bà xã tôi!”. Câu nói mộc mạc, chân thành đó khiến tôi thêm cảm phục và kính trọng vị giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực ung thư và y học hạt nhân ở Việt Nam./.
Nguồn congluan.vn