Người sáng lập mô hình viện - trường
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt sinh ra trong gia đình nổi tiếng và có truyền thống hiếu học. Tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 1977, chàng thanh niên Nguyễn Lân Việt tốt nghiệp bác sĩ y khoa và chính thức bước chân vào ngành y. Sau gần 40 năm công tác, đến nay, GS. Nguyễn Lân Việt đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu và giảng dạy.
Có thể nói chặng đường trưởng thành và phát triển của Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội có một phần đóng góp không nhỏ công sức và trí tuệ của GS. Nguyễn Lân Việt. Với kinh nghiệm của một người vừa làm công tác giảng dạy, vừa trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh, ông đã kết hợp giữa việc giảng dạy lý thuyết với thực hành lâm sàng. Ông tâm sự: “Trong lĩnh vực giảng dạy bệnh tim mạch, tôi luôn hướng các sinh viên phải gắn với thực hành lâm sàng, học phải đi đôi với hành thì mới tiến bộ nhanh được”.
GS.TS Nguyễn Lân Việt đang thăm khám cho bệnh nhân
Vì vậy, mô hình kết hợp “Viện - Trường” của ông đã tạo nên sự gắn kết rất hiệu quả giữa các hoạt động giảng dạy ở Bộ môn Tim mạch - trường Đại học Y Hà Nội với thực tiễn điều trị ở Viện Tim mạch Việt Nam. Với mô hình này, nhiều PGS, TS của Viện đã tham gia vào công tác đào tạo cho các sinh viên và học viên sau đại học tại Đại học Y Hà Nội. Nhờ đó, các thầy thuốc ở Viện Tim mạch Việt Nam cũng luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất về tim mạch của thế giới. GS. Nguyễn Lân Việt đã góp phần đưa Viện Tim mạch trở thành một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch của đất nước. Từ một viện lúc đầu chỉ có 55 giường bệnh với trang thiết bị lạc hậu xuống cấp, nay đã tăng lên 220 giường bệnh với nhiều trang thiết bị hiện đại.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y dược toàn quốc và Giám đốc dự án Việt Nam - Hà Lan về xây dựng và đổi mới chương trình giảng dạy trong 8 trường đại học y, GS. Nguyễn Lân Việt đã góp phần xây dựng khung chương trình cho nhiều chuyên ngành y và giúp các trường đại học y cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều kỹ thuật tim mạch tiên tiến trước đây chỉ thực hiện được ở một số trung tâm y học lớn trên thế giới nay đã được tiến hành thành công ở Việt Nam.
Phần thưởng cao quý nhất
Thành công nối tiếp thành công, nhưng GS. Nguyễn Lân Việt vẫn ngày đêm trăn trở tìm ra những biện pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Học trò của ông không ít người đã trở thành những cán bộ chuyên môn tài năng ở các bệnh viện trên khắp cả nước nhưng họ vẫn luôn nhắc đến “thầy Việt” với sự kính trọng, lòng biết ơn một người thầy luôn tận tình chỉ bảo và tận tâm với nghề.
Trên cương vị là viện trưởng, GS. Nguyễn Lân Việt cùng tập thể lãnh đạo Viện Tim mạch Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về tim mạch như: siêu âm cản âm, siêu âm gắng sức, siêu âm tim qua thực quản, kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành, kỹ thuật IVUS, kỹ thuật đo phân suất dự trữ vành, liệu pháp tế bào gốc trong điều trị suy tim, nong van hai lá, nong động mạch vành... Việc ứng dụng thành công, rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến này đã cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo và giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị, chỉ còn bằng 1/5 - 1/10 so với điều trị ở nước ngoài.
GS. Nguyễn Lân Việt chia sẻ: “Cái thiếu thốn nhất của người bác sĩ là thời gian dành cho gia đình. Nhưng bù lại, người thầy thuốc có niềm vui và hạnh phúc không gì đánh đổi được, đó là khi cứu sống được một người bệnh, đưa họ từ cõi chết trở về”.
Với những cống hiến hết mình của một người thầy thuốc, một người thầy giáo cùng vô số những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị của mình, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Nhưng có lẽ với ông, phần thưởng quý giá nhất là giữ được sức khỏe và tính mạng cho những người bệnh.
Nguồn Vovgiaothong.vn