Trong hai ngày 20 - 21/4/2018, Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 6 đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Điện quang can thiệp tại Việt Nam đã được thực hiện đơn lẻ tại một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, BV 108, BV 115… Tuy nhiên phải tới năm 2010, Chi Hội Điện quang can thiệp mới được thành lập. Từ một chi Hội chỉ có khoảng 50 hội viên, đến nay hội đã lớn mạnh với khoảng gần 300 hội viên và khoảng 30 bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp, trong đó có khoảng gần 20 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật can thiệp Thần kinh.
GS.TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Chi hội Điện quang can thiệp cho biết: Mặc dù lĩnh vực Điện quang can thiệp ở nước ta còn khá non trẻ nhưng những thành tựu kỹ thuật đạt được rất đáng tự hào. Chúng ta đã sánh ngang tầm khu (Singapore và Thái Lan), một số kỹ thuật đạt trình độ Thế giới như: điều trị phình động mạch não bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy, lấy huyết khối động mạch trong nhồi máu não cấp… Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và can thiệp điều trị một số bệnh mạch máu não, đặc biệt kỹ thuật lấy huyết khối trong điều trị nhồi máu não tối cấp do tắc động mạch lớn đã gia tăng với khoảng 900 ca được điều trị bằng kỹ thuật này năm 2017 (tăng khoảng 100% so với năm 2016) cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi tàn tật.
GS.TS. Phạm Minh Thông, Phó GĐ BV Bạch Mai, Chủ tịch Chi hội Điện quang can thiệp phát biểu tại hội nghị
Hội nghị Điện quang can thiệp Toàn quốc năm 2018 (lần thứ 6) đã thu hút khoảng 250 Giáo sư, Bác sĩ, cùng đông đảo các đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc về tham dự. Hội nghị có 12 khách mời quốc tế là các Giảng viên Điện quang can thiệp Thần kinh ngoại biên, can thiệp các tạng có uy tín trên thế giới đến từ Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, và các nước trong khu vực (Indonesia và Philipine). Đây là Hội nghị được tổ chức thường niên vào tháng 4 hàng năm, với các chủ đề tập trung vào các lĩnh vực can thiệp trong và ngoài mạch máu dưới hướng dẫn của các phương tiện hình ảnh gồm Chụp mạch số hóa xóa nền, siêu âm, cắt lớp vi tính.
Điện quang can thiệp vì thế đã góp phần tạo nên “Giá trị” chuyên ngành trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Sự phát triển đa phương thức điều trị, đa dạng các vật liệu can thiệp mạch đòi hỏi thầy thuốc phải lựa chọn hay kết hợp các phương thức, vật liệu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh. “Giá trị” của sự kết hợp tối ưu trong chẩn đoán, lựa chọn giải pháp điều trị; “Giá trị” giờ vàng để cứu sống bệnh nhân đột quỵ não. Và hơn cả là “Giá trị” mà người bệnh được thụ hưởng khi ứng dụng các kỹ thuật Điện quang can thiệp tiên tiến. Chính vì vậy, chủ đề Hội nghị năm nay là “Điện quang can thiệp Việt Nam trong kỷ nguyên giá trị”.
Hội nghị năm nay tiếp tục có sự kết hợp với Hội điện quang can thiệp Thần kinh Châu Âu - ESMINT-European Society for Minimally Invasive Neurological Therapy - với sự tham dự của nguyên Chủ tịch Hội – Gs Laurent Pierot và Gs Christophe Cognard với 1 chủ đề đang rất thời sự trên toàn Thế giới và tại Việt Nam hiện nay – đó là kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối trong đột quỵ não cấp đã cứu sống rất nhiều người bệnh trong giai đoạn giờ vàng.
Gs Laurent Pierot - Nguyên chủ tịch Hội điện quang can thiệp Thần kinh Châu Âu phát biểu tại hội nghị
Các chủ đề khác được chia sẻ trong Hội nghị bao gồm: bệnh lý phình động mạch não phức tạp, can thiệp nút mạch trong bệnh lý dị dạng mạch tuỷ, mạch ngoại biên, các điểm mới trong điều trị đốt sóng cao tần điều trị tổn thương tuyến giáp lành tính, đốt các búi giãn tĩnh mạch chi, các kỹ thuật giảm đau trong ung thư và loãng xương, nút mạch cấp cứu chảy máu do chấn thương, nút các tĩnh mạch vành vị để kiểm soát chảy máu tiêu hóa, kỹ thuật hút chân không lấy tổn thương vú, đặc biệt kỹ thuật mới bơm hoá chất chọn lọc qua động mạch mắt nhằm điều trị bảo tồn mắt trong bệnh lý u nguyên bào võng mạc hay gặp ở trẻ em, đây là kỹ thuật mới lần đầu được áp dụng tại Việt Nam năm 2017, bổ sung danh mục các kỹ thuật can thiệp hiện đại nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc điều trị người bệnh.
Hội nghị cũng là dịp để các bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành, các bệnh viện trong toàn quốc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong lĩnh vực Điện quang can thiệp để cùng nhau đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Điện quang can thiệp cho các Bệnh viện, sử dụng hiệu quả các phương tiện hiện có, giúp triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục, và rút ngắn ngày điều trị trung bình nâng cao chất lượng bệnh viện.
Đỗ Hằng - Thế Anh