Đó là một trong những ca bệnh đặc biệt mà đến giờ vẫn là kỳ tích in đậm trong cảm xúc gia đình người bệnh cũng như những bác sĩ tham gia điều trị. Kỳ tích bởi đây là ca bệnh nằm viện lâu nhất, được các bác sĩ kiên trì, nỗ lực cứu sống bằng mọi trang thiết bị tối tân, hiện đại nhất, dồn nhiều trí lực nhất. Và bên cạnh đó là ý thức sinh tồn mãnh liệt của sản phụ trẻ cùng sự yêu thương vô bờ bến của gia đình đã góp phần dệt thêm những kỳ tích cứu sống người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần của Bệnh viện Bạch Mai.
“Gia đình bệnh nhân Trang gửi ảnh cảm ơn y bác sĩ, nhân dịp tròn một năm chị ngừng tim sau đẻ cháu bé”. Đang ngồi soạn giáo án, ThS.BS. Nguyễn Bá Cường - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai nhận được tin nhắn từ bố bệnh nhân kèm theo hình ảnh gia đình hạnh phúc trong ánh nến lung linh. Quá khứ một năm trước ào về. Hình ảnh sản phụ chằng chịt dây truyền quanh người, run run viết ngệch ngoạc trên tờ giấy “Bệnh của em có khỏi không ạ?” vẫn còn in hằn trong tâm trí bác sĩ Bá Cường - một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho sản phụ Dương Thị Kiều Trang.
Mùa hè tháng 7 năm 2020, khi dịch COVID đang hoành hành làm thế giới đảo điên, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển hệ thống điều trị tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) kíp bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã có chuyến vận chuyển bệnh nhân chạy ECMO 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội. Đó là sản phụ Dương Thị Kiều Trang, sau khi mổ đẻ, sản phụ Trang xuất hiện sốc tim kèm liệt tứ chi. Do tình trạng sốc tim nặng, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An phải duy trì thuốc vận mạch liều cao. Đồng thời, các bác sĩ Nghệ An hội chẩn qua Telehealth với Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai để được hỗ trợ hệ thống máy tim phổi nhân tạo. Nhận được yêu cầu chi viện từ đồng đội, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai tức tốc cử kíp bác sĩ cùng các trang thiết bị cần thiết lập tức lên đường vào Nghệ An. Đến Nghệ An khi trời đã sập tối, các bác sĩ tức tốc vào bệnh phòng để thăm khám, hội chẩn cho người bệnh. Sản phụ Trang trong tình trạng sốc tim, suy tim nặng đang phải dùng thuốc thuốc trợ tim liều cao nhưng huyết áp duy trì thấp, nhịp tim nhanh 140-150ck/p. Có thể đánh giá, sản phụ Trang đang trong tình trạng nguy kịch có thể diễn biến nặng bất kì lúc nào, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi hội chẩn chuyên môn, xin ý kiến lãnh đạo BVĐK Hữu nghị Nghệ An và Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. Khi đặt xong hệ thống máy cũng nửa đêm. Lúc đó, kíp bác sĩ Bạch Mai mới thấy thấm mệt và đói. Bệnh nhân được theo dõi ổn định qua một đêm và sớm hôm sau được chuyển ra Bạch Mai.
Trong bối cảnh y tế Việt Nam còn thiếu nhiều về trang thiết bị, hồi sức trong phòng hồi sức chuyên nghiệp đã khó và đầy những rủi ro, việc hồi sức trên ô tô trong thời gian dài thực sự là thách thức quá lớn, cần đội phải thật sự chuyên nghiệp. Bác sĩ Bá Cường chia sẻ: “Mọi phương tiện, hệ thống điện và không gian trong xe cứu thương đều ưu tiên hết cho hệ thống ECMO để duy trì huyết áp và máy thở cho người bệnh. Suốt 6 giờ đồng hồ, các bác sĩ bó gối trong không gian chật hẹp theo dõi sát sao từng chỉ số của người bệnh”.
Chia sẻ về những thách thức khi điều trị cho sản phụ Trang, bác sĩ Bá Cường cho biết: “Bệnh nhân xuất hiện suy tim cấp, kèm theo đó là liệt toàn thân cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải chạy máy ECMO nên việc vận chuyển bệnh nhân đi làm các xét nghiệm điện cơ, điện não, chụp cổng hưởng từ vô cùng khó khăn. Trong khi tình trạng suy tim cải thiện nhưng tình trạng liệt toàn thân không thay đổi”. Sau các xét nghiệm, các bác sĩ xác định thủ phạm chính là Pate Minh Chay khiến sản phụ Trang bị ngộ độc Botilinum. Mặc dù tìm ra chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng việc điều trị vô cùng khó khăn do thuốc điều trị tại thời điểm đó trong nước không có. Bộ Y Tế đã phải liên hệ tổ chức Y tế thế giới (WHO) để nhập thuốc về Việt Nam điều trị cho bệnh nhân Trang và 1 số bệnh nhân khác.
Công cuộc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Trang kéo dài 180 ngày, trải qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, nhiều lúc tưởng chừng như vô vọng nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và gia đình vẫn nhất quyết không buông tay dù cơ hội vô cùng mong manh. Và cái kết không phụ lòng người, bệnh nhân Trang hồi phục, được ra viện sau những chuỗi ngày chiến đấu với “tử thần”.
Kỳ tích cứu sống sản phụ Trang khiến tôi nhớ đến cụm từ “Thiên thần áo trắng”, “Chiến sĩ áo trắng”... vẫn hay được nhân dân nhắc đến. Họ là ai mà được xã hội gắn cho hình ảnh đẹp đẽ đến vậy?! Họ cũng là những con người, cũng sinh ra, lớn lên, học tập và hít thở chung không khí của bầu khí quyển như triệu triệu con người trên hành tinh này. Điểm khác duy nhất có lẽ, họ có niềm đam mê với “công việc” cứu người. Họ sinh ra với sứ mệnh đem lại sức khỏe cho những cơ thể ốm đau, bệnh tật cả về thể xác lẫn tinh thần. Rồi trong cuộc chiến với tử thần, họ là chiến sĩ chiến đấu quật cường để “giằng” người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần. Họ đau với nỗi đau của người bệnh, đi bên người bệnh bằng tất cả trái tim yêu thương và lòng trắc ẩn của mình./.
Đỗ Hằng