Trong những ngày cuối năm bận rộn, niềm vui của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai như được nhân đôi khi cháu Lô Diệu Uyên (7 tuổi, dân tộc Nùng ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã khỏe mạnh và trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 43 ngày chiến đấu giành giật sự sống từ tay tử thần.
Trong những ngày điều trị tại BV, cháu Uyên và gia đình luôn nhận được sự động viên, quan tâm của các thầy thuốc và nhà hảo tâm. Số tiền ngoài BHYT chi trả (53 triệu đồng) đã được Phòng Công tác xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Nói về ca bệnh này, TS.BS Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp phẫu thuật thay van tim cho cháu chia sẻ: đây là một ca bệnh với các dấu hiệu rất điển hình của Hội chứng Ehlers-Danlos - Một căn bệnh hiếm gặp trong y văn với tỷ lệ mắc chỉ 1/100.000 người. Hầu hết bệnh nhân mắc Hội chứng này thường tử vong do vỡ mạch máu tự nhiên. Với trường hợp bé Uyên, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán động mạch chủ của bé đã phình lớn, dọa vỡ bất cứ lúc nào, hở chủ nhiều, suy tim nặng. Tình trạng quá cấp bách đặt ra yêu cầu phải phẫu thuật khẩn cấp để thay van tim cứu sinh mạng bé gái.
Tuy nhiên, việc tìm vật liệu cho cuộc mổ là rất khó khăn. Các lựa chọn được đặt ra là thay van tim sinh học hoặc van tim cơ học cho bệnh nhân? Trước tình thế đó, các bác sĩ đã phải “cân não” tìm phương án tốt nhất cho bệnh nhân, vừa đảm bảo an toàn vừa tính đến yếu tố đặc thù... Cuối cùng, các bác sĩ quyết định tìm van tim đồng loại để thay thế cho bệnh nhi. Điều này sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi cảnh phải dùng thuốc chống đông suốt đời, hoặc các thuốc chống thải ghép…
Cháu Uyên và mẹ trong những ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Tìm ra phương án khả thi nhưng điều khó khăn lúc này là biết tìm đâu được nguồn van tim để thay thế cho Uyên. Các bác sĩ BV Bạch Mai lại phải kết nối với các đơn vị y tế khác để tìm van thay thế, và may mắn đã tìm được van phù hợp trong nguồn van ít ỏi tại Ngân hàng Mô tạng của BV Hữu nghị Việt Đức. Một kế hoạch phối hợp trong bảo quản, vận chuyển và phẫu thuật thay van tim đã được vạch ra và phối hợp nhịp nhàng để làm sao khi các phẫu thuật viên BV Bạch Mai mổ thay van tim thì cùng lúc ấy, các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức cũng sẽ “thoát đông” lấy van tim được bảo quản trong bình nitơ lỏng ra ngoài để thay cho bệnh nhi.
Cuộc mổ ngày 13/12/2019 đã thành công tốt đẹp sau quá trình dài chuẩn bị, phối hợp hiệu quả giữa các y bác sĩ của hai Trung tâm Phẫu thuật tim mạch lớn nhất cả nước. Diễn biến sau mổ của cháu Uyên rất thuận lợi, kiểm tra đánh giá các chỉ số sức khỏe diễn biến tốt. Bệnh nhi ổn định, được xuất viện ngày 10/1/2020 và được hưởng cái Tết khỏe mạnh, trọn vẹn cùng gia đình thân yêu. Đó cũng là phần thưởng cho sự nỗ lực, hết mình vì người bệnh của tập thể thầy thuốc Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.
Hình ảnh khớp tay của cháu có thể uốn được đến 180 độ - một biểu hiện của Hội chứng Ehlers-Danlos
Đánh giá về ca bệnh này, TS.BS Dương Đức Hùng nhấn mạnh: Trong những trường hợp như thế này, việc tiên lượng, đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân, khẩn trương đưa ra phương án xứ trí kịp thời, hợp lý, chính xác là điều kiện tiên quyết để cứu sống người bệnh. Ca mổ thay van tim thành công cho bệnh nhi mắc căn bệnh hiếm gặp trong tình huống hết sức khó khăn này là kết quả của sự phối kết hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm của các thầy thuốc Viện Tim mạch Quốc gia cùng các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức. Đây cũng là niềm vui của bác sĩ Việt (Viện Tim mạch Quốc gia) là người đầu tiên phát hiện ra bệnh của cháu và thuyết phục gia đình đưa cháu về thủ đô chữa bệnh. Đó cũng là niềm vui của các nhân viên phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai) đã cùng chung tay, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí cho cháu trong suốt quá trình điều trị.
Cháu Lô Diệu Uyên đã được trở về đón tết cùng gia đình sau 43 ngày điều trị tại BV
Hội chứng Ehlers-Danlos - đây là một nhóm các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết - chủ yếu là da, khớp và thành mạch máu. Mô liên kết là một tập hợp phức tạp các protein và nhiều chất khác cung cấp sức mạnh và độ đàn hồi cho các cấu trúc bên trong cơ thể. Những người mắc hội chứng Ehlers-Danlos thường có các khớp mềm dẻo quá mức và da căng giãn, mỏng manh.
Một dạng nghiêm trọng hơn của rối loạn này, có thể làm cho thành mạch máu, thành ruột hoặc tử cung bị vỡ gọi là Hội chứng Ehlers-Danlos mạch máu. Nếu có Hội chứng này, phụ nữ nhất quyết không được sinh con vì có thể tử vong trong khi mang thai do mạch máu căng lên, phình to và vỡ ra.
Hội chứng Ehlers-Danlos có liên quan đến nhiều nguyên nhân di truyền khác nhau, một số được di truyền từ bố mẹ sang con. Nếu mắc các dạng phổ biến nhất của hội chứng Ehlers-Danlos, 50% cơ hội gen đó sẽ truyền cho mỗi đứa con.
M.Thanh