Trốn vào toilet để khóc vì thương bệnh nhân
Cho đến tận ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Hương Thảo (Điều dưỡng viên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) vẫn còn nhớ rõ không khí khẩn trương những ngày bệnh sởi hoành hành dữ dội. Chị Thảo cho biết: “Hơn 10 năm làm điều dưỡng, chưa khi nào tôi thấy cường độ làm việc cao như thời gian qua. Đang chăm sóc cho bệnh nhân này thì đã có người nhà bệnh nhân kia hốt hoảng gọi. Thế là lại vội vội vàng vàng chạy sang. Nhiều hôm bệnh nhân đông quá, khoa không đủ máy thở, chúng tôi lại phải thay nhau bóp bóng thở thủ công cho các cháu. Có hôm đến giờ thay ca mới nhớ cả ngày mình chưa ăn cơm, uống nước. Có lẽ cơ thể mình cũng hiểu những ngày này có nhiều việc để làm nên tối giản nhu cầu chăng?”.
Chị Thảo cũng cho biết, chị từng chứng kiến nhiều đợt dịch viêm não, tay chân miệng, dịch cúm nguy hiểm nhưng dịch sởi năm nay là chưa từng thấy. Các y, bác sỹ trong khoa đều cố gắng hết sức, nhưng vẫn không tránh khỏi việc phải chứng kiến nhiều bé ra đi. “Nhìn em bé hôm trước mình còn chăm sóc, hôm nay đã không còn trên đời bản thân mình cũng buồn lắm. Có hôm phải trốn vào toilet đóng chặt cửa khóc một mình. Tôi cũng là một người mẹ, cũng có con nhỏ, tôi không thể nào tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu con mình như thế. Nhưng mà trước mặt bệnh nhân và người nhà, tôi vẫn phải tỏ ra cứng cỏi và trấn an họ. Vì bệnh nhân họ tin vào bệnh viện, tin vào y, bác sỹ. Nếu mình cũng yếu đuối thì họ biết bấu víu vào ai?”.
Không dám ôm con vì sợ lây bệnh
Nếu như chị Nguyễn Thị Hương Thảo phải nén khóc khi chứng kiến gia đình và bệnh nhi giành giật cơ hội sống từ tay tử thần thì chị Trần Thị Oanh (Bác sỹ Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) lại phải nén lòng không dám ôm con vì sợ con bị lây bệnh sởi.
“Nhìn thấy các bé đau đớn vì sởi, chưa khi nào tôi thấy nhớ và thương con đến thế”. Chị Oanh chia sẻ, những ngày đỉnh cao của dịch, chị thường có mặt ở bệnh viện lúc 7h30 sáng hôm trước và về nhà vào 8h30 sáng ngày hôm sau. “Trước khi về tôi đã phải tắm rửa, gội đầu sạch sẽ. Thậm chí còn dùng cả cồn để sát trùng giày dép, điện thoại, túi xách… Thế nhưng, khi về nhìn thấy con cũng không dám ôm vì sợ con bị lây sởi từ mầm bệnh mẹ mang ở bệnh viện về. Nhiều hôm nhìn con rõ tủi thân mà bản thân mình cũng buồn ghê lắm. Nhưng tất cả là vì con, mình không thể làm khác đi được”.
Ấy vậy mà, con chị Oanh vẫn bị sốt. Khi nhận được điện thoại của chồng, chị đã vội vàng chạy về nhà, tự mình kiểm tra sức khỏe cho con. Chị Oanh nhớ lại: “Mặc dù kiểm tra đi kiểm tra lại mấy lần không thấy con có biểu hiện gì của bệnh sởi cả nhưng lòng mình vẫn nặng trĩu. Nếu ngộ nhỡ con mà bị sởi thì chắc mình sẽ dằn vặt bản thân mãi thôi. Nhưng may mà cháu chỉ bị sốt virus, 3 ngày sau là khỏe lại bình thường”.
Học được từ bệnh nhân sự lạc quan
Khi được hỏi điều gì đọng lại trong tâm trí khi dịch sởi đi qua, cả chị Thảo và chị Oanh đều không ngần ngại trả lời rằng đó chính là sự lạc quan. Chị Oanh tâm sự: “Có đi qua đau thương, mất mát mới thấy yêu thêm ý nghĩa của cuộc đời. Cũng sau dịch sởi, mình biết trân trọng hơn những khoảnh khắc ở gần con, những giây phút hiếm hoi, ít ỏi bên gia đình”.
Chị Thảo cũng nhớ lại: “Tôi nhớ mãi bệnh nhi tên là Nguyễn Ngọc Quyên, 22 tháng tuổi bị dị tật bẩm sinh được chuyển lên từ bệnh viện Thanh Nhàn. Cháu nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Lúc đó, các bác sỹ trong khoa đã chuẩn bị tâm lý rằng cháu sẽ không thể qua khỏi. Nhưng bố mẹ cháu không hề lo sợ mà rất lạc quan. Đi đến đâu 2 vợ chồng cũng nở nụ cười thân thiện. Họ còn giúp đỡ, động viên những gia đình các bệnh nhi khác. Đặc biệt là ông bố, lúc nào cũng ôm con trong tay, hát cho con nghe. Ngay cả lúc bé thở máy, bố cũng không rời khỏi bé. Có lẽ chính tình yêu thương và sự lạc quan của gia đình mà bé Quyên đã chiến thắng được bệnh tật và ra viện sớm hơn. Đó là một kỳ tích”.
Theo Phunutoday.