Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hãy sống cho bản thân nếu bạn thật sự yêu con

Câu cửa miệng của phần đông phụ nữ là "Sống vì con!" nhưng như thế không có nghĩa là chịu đựng thậm chí cam chịu. Hãy "Sống vì mình!".

Chỉ khi người mẹ khỏe mạnh cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần thì mới có thể giúp con tốt nhất. Chính vì vậy, người phụ nữ cần biết chăm sóc tốt bản thân. Một người chồng tốt sẽ biết giúp vợ của mình nghỉ ngơi, thư giãn vui vẻ và hạnh phúc. Một người mẹ vui vẻ và hạnh phúc sẽ nuôi dạy những đứa con vui vẻ và hạnh phúc.

Empty

Gặp tôi, Th. tâm sự "Từ ngày sinh bé thứ hai em mệt mỏi lắm. Em thấy mình khác, em mất ngủ. Em mệt mỏi đến mức nhiều khi nghe con khóc hay sao đấy em cũng không muốn dỗ nữa. Em còn cứ bị ám ảnh. Nhìn con dao cứ nghĩ là thế nào cũng bị làm sau đấy đến mức mà em phải cất hết dao đi để không nhìn thấy. Em cảm thấy có lỗi với con bé đầu vì em không thể dành nhiều thời gian cho nó. Em dễ cáu gắt. Nhiều khi việc không có gì em cũng mắng nó. Mắng xong em lại ân hận. Nên có khi là em mắng nó, nó khóc rồi cả ba mẹ con cùng khóc".

H. thì kể "Em cứ thấy mệt mỏi căng thẳng, không thiết tha cái gì. Có lần con khóc em đã dằn con xuống giường mà không ý thức được điều đấy. Chồng em nhìn thấy. Chồng bảo lúc đó suýt nữa đã tát em vì giận quá. May mà chồng em đã không làm vậy".

L chia sẻ: "Mỗi khi chồng em đi làm là em lại nghĩ linh tinh. Em cứ nghĩ là anh ấy sẽ có ai đó ở ngoài kia trong khi em ở nhà với con. Em buồn lắm. Em cứ khóc. Em thậm chí còn nghĩ đến chuyện tự tử".

Th., H., L. là ba trong số nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh ở Việt Nam. Họ bị trầm cảm nhưng không biết - cũng giống như nhiều phụ nữ khác. Họ chỉ nghĩ đơn giản là "Chắc do mới sinh còn mệt và phải chăm con vất vả" và "Ai sau sinh cũng thế" và thường cố gắng chịu đựng.

Trong buổi tọa đàm "Trầm cảm sau sinh: Chúng ta biết gì? Chúng ta có thể làm gì?" do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIP) tổ chức cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em và Liên minh vì Công bằng sức khỏe cuối tháng 8, Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Rất nhiều người không biết là mình bị trầm cảm sau sinh và hầu hết các trường hợp đến viện đều đã muộn và có hậu quả đáng tiếc". Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục thực hiện cho thấy trong các trường hợp đến trung tâm từ 2014 - 2016, có tới gần 70% là ở thể trầm cảm nặng, 60% có ý tưởng tự sát, gần 30% có ý nghĩ hoặc hành vi làm hại con. Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm cũng cho biết: "Đây là điều đáng tiếc vì các trường hợp đến được viện đều điều trị được. Điều trị các dấu hiệu trầm cảm sau sinh không phải là khó".

Empty

Như vậy, điều quan trọng nhất chính là nhận diện được các dấu hiệu trầm cảm sau sinh và rối loạn tâm thần để đi khám sớm. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Tiến Đức - Khoa tâm thần, Viện Quân y 103, phụ nữ sau sinh có tể có nhiều dạng rối loạn tâm thần khác nhau bao gồm baby blues, trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh. Khoảng 30%-80% phụ nữ sau sinh có thể gặp trạng thái khóc lóc và ủ rũ (hội chứng baby blues). Đây là thể nhẹ nhất của rối loạn tâm thần sau sinh. Các dấu hiệu này xuất hiện sớm trong vòng 3-10 ngày sau sinh, kéo dài khoảng 2 tuần và thường có thể tự khỏi nhất là khi được nghỉ ngơi và được hỗ trợ của người thân và bạn bè. Khi các dấu hiệu này kéo dài hơn 2 tuần, có thể người mẹ đã có biểu hiện trầm cảm sau sinh và cần đi khám và điều trị.

Bên cạnh việc đi khám và điều trị sớm, các nhà chuyên môn nhấn mạnh vai trò của việc trao đổi, kết nối, hỗ trợ tinh thần trong việc phòng và điều trị trầm cảm sau sinh. Bà Keran Marks - chuyên gia đến từ Úc cho biết: "Việc đi ra ngoài, vận động, tiếp xúc ánh nắng và đặc biệt là giao tiếp với mọi người có tác dụng tích cực trong phòng và điều trị trầm cảm sau sinh. Trong đó việc kết nối với cộng đồng, với bạn bè và các bà mẹ khác đặc biệt quan trọng". Bà chia sẻ mô hình "Nhóm chơi" ở Úc: "Các cặp cha mẹ mới sinh con tập hợp với nhau, trao đổi thông tin về bản thân và về con. Họ tham gia từ lúc con mới sinh cho đến lúc con đi học. Mục đích ban đầu của mô hình này là vì sự phát triển toàn diện của con. Các cha mẹ đưa con đến để con được kết nối, chơi với nhau, phát triển các kĩ năng xã hội. Tuy nhiên, trong lúc các con chơi với nhau thì đó là thời gian tuyệt vời để các cặp cha mẹ có các trao đổi và hỗ trợ cho nhau. Rất nhiều vấn đề trong đó có trầm cảm sau sinh, nhiều người nghĩ là vấn để chỉ xảy ra với mình nhưng khi nói ra mới biết có nhiều người khác cũng bị. Việc chia sẻ này giúp cho các cặp vợ chồng nhất là phụ nữ không thấy đơn độc. Do các nhóm này tự hoạt động với sự tham gia tình nguyện của các cha mẹ nên chi phí tổ chức rất thấp. Chỉ với khoảng 50.000 đồng mỗi người, cha mẹ đã có thể tổ chức nhóm này".

Không hoàn toàn giống nhưng hiện tại Hội phụ nữ Việt Nam cũng đã có mô hình giúp phụ nữ có các kiến thức và kĩ năng chăm sóc bản thân và chăm sóc con tốt hơn sau khi sinh. Bà Đặng Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ sau khi sinh giúp phụ nữ phục hồi tốt hơn và có những kết nối, hỗ trợ rất tốt về mặt tinh thần".

Nguồn phunuphapluat.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image