PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai. |
- Bệnh hen phế quản là bệnh lý hô hấp phổ biến, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể mắc, vậy xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân của bệnh xuất phát từ đâu?
Nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản có thể chia thành 3 nhóm: thứ nhất là do cá thể của người bệnh (cơ địa), bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mắc những bệnh dị ứng; hoặc trong gia đình, khi bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì 20%-30% những đứa con có thể mắc bệnh hen. Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh này, 50% con có thể mắc hen phế quản. Nguyên nhân thứ 2 là do môi trường, thứ 3 là do nghề nghiệp. Một số người làm trong nghề dệt may, làm thảm, hóa chất dễ bị mắc hen phế quản.
- Như vậy là có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn xung quanh, dễ khiến chúng ta bị hen phế quản, bệnh này có những triệu chứng như thế nào thưa bác sĩ?
Bệnh hen phế quản được thể hiện bằng 3 cơ chế: Đầu tiên là viêm, gây ra tăng tiết, nhiều đờm, có dấu hiệu lâm sàng là ho khạc đờm nhiều. Thứ hai, co thắt phế quản, làm cho bệnh nhân khó thở và gây ra tiếng rít khi thở. Thứ ba, vì bị viêm nên lòng phế quản dễ bị kích thích, phản ứng với các yếu tố lạ khi tiếp xúc với nó. Tất cả những cơ chế trên sẽ làm cho bệnh hen xuất hiện với 4 triệu chứng: ho, khò khè, tức ngực, khó thở.
Đường thở bị hẹp khi lên cơn hen suyễn. (Ảnh: Hen phế quản) |
Bệnh hen phế quản có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng không ít người vẫn chủ quan. Trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp, chỉ sau vài phút không thở được bệnh nhân có thể tử vong. Trong hen phế quản cấp dễ xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp, không thở được trong vài phút, nghẹt thở, tràn khí phế nang do ho, ép ngực, suy tim phải...
- Bác sĩ có thể cho biết những biện pháp hữu ích nhất để phòng ngừa căn bệnh này?
Để phòng bệnh hen phế quản, mọi người cần có một lối sống khoa học. Chủ động tránh ở những nơi bụi bẩn, ô nhiễm, nhiều khói; hoặc phải có trang bị bảo hộ. Hạn chế tiếp xúc với các Nguyễn nhân gây dị ứng như: phấn hoa, bụi bẩn, súc vật trong nhà, hóa chất. Luôn lau chùi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chống ẩm mốc. Không sử dụng hay tiếp xúc với người sử dụng các loại thuốc lá.
Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp thì phải điều trị ngay, không để kéo dài và tái phát nhiều lần. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và tập thể dục điều đặn để tăng cường sức đề kháng, nhất là tập thở.
- Thưa bác sĩ, có nhiều người cho rằng, bệnh hen rất dễ lây nhiễm nên họ thường cảnh giác với những người bị hen, điều này có đúng hay không? Nếu một người không may bị bệnh hen thì cần tìm đến những phương pháp điều trị như thế nào?
Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính ở đường thở nhưng không lây nhiễm. Khi điều trị bệnh hen thì có hai loại thuốc cơ bản sau: Thứ nhất là thuốc cắt cơn, chỉ dùng thuốc ngắn ngày khi khó thở. Thứ hai là thuốc dự phòng, điều trị duy trì, dùng hằng ngày cả khi không bị khó thở. Cần hiểu rõ về thuốc, sử dụng thuốc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
Khi đã hết các triệu chứng của bệnh, không lên cơn hen suyễn thì vẫn cần tái khám để điều chỉnh lượng thuốc dự phòng hợp lý. Người bị hen phế quản, mỗi đợt bị khó thở giống như phải lao động nặng nhọc, tiêu tốn rất nhiều năng lượng nên cần bù lại bằng chế độ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày. Bên cạnh đó nên tập luyện thể thao phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn vì những thông tin rất hữu ích!
(Ảnh: Hello Bác sĩ) |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản dao động từ 1% – 30% dân số tùy từng quốc gia. Ước tính hiện nay có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên khoảng 400 triệu người. Việt Nam là quốc gia có số người mắc bệnh cao nhất Châu Á, tỉ lệ người mắc bệnh hen là 5%, trẻ trong độ tuổi 12 -13 có tỉ lệ mắc bệnh rất cao, lên đến 29.4%. Có một thực trạng hiện nay là chỉ có 29% bệnh nhân đi khám bác sĩ hoặc cơ sở y tế, 89% bệnh nhân không được điều trị dự phòng; 88% người bệnh không biết hen suyễn có thể kiểm soát và chữa khỏi được; 43% tự mua thuốc điều trị hoặc mua theo toa cũ. |