Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hiểm họa bệnh tật khi rét đậm, rét hại

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa đông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa đông. Ở nhiều vùng núi như Sa Pa, Lào Cai, Lạng Sơn... đã xuất hiện băng tuyết. Riêng tại khu vực Hà Nội trời rét hại, nhiệt độ thấp 9-10oC. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng chống rét cho bản thân và gia đình.

Đề phòng các chứng bệnh về hô hấp và tim mạch

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi thời tiết xuống dưới 10oC, người già và trẻ em là những đối tượng có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

Không sưởi ấm bằng than trong phòng kín.

BS. Hoa khuyến cáo, để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa,... Đối với người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

Đối với trẻ nhỏ, đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối cho con mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Khi quần áo ướt sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi. Do đó, nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.

Những người đặc thù phải làm việc ở ngoài trời chống chọi với rét đậm, rét hại cần mặc nhiều quần áo, hạn chế để da tiếp xúc với môi trường lạnh. “Nếu trời mưa chúng ta có thể mặc thêm áo mưa hoặc độn các tờ báo ở giữa 2 lớp quần áo sẽ giúp giữ nhiệt” - BS. Hoa cho biết thêm.

Về chế độ ăn, BS. Hoa khuyến cáo, để tăng sức đề kháng của cơ thể cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây đảm bảo đủ nhiệt cho cơ thể. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế... giúp giữ ấm rất tốt, còn giúp cơ thể giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa. Hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.

Đề phòng ngạt khí do sưởi bằng củi, than tổ ong trong phòng

BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, nhiều gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.

Lưu ý, không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín sẽ dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy. Nếu để thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới hiện tượng hôn mê, tổn thương não, chết ngạt. Trong những đợt lạnh ở các năm trước đây, nhiều vụ tử vong do sưởi bằng than tổ ong, củi đã xảy ra.

Tuyệt đối không tắm khuya, hoặc tắm quá lâu, tắm nơi không kín gió vì dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể gây tử vong. Cũng không nên tắm và gội cùng lúc tránh nguy hiểm cho sức khỏe.

Nguồn Suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image