Vượt lên khó khăn
Sau một năm, bệnh viện (BV) Bạch Mai đã triển khai Đề án tại 18 BV ở 11 tỉnh phía Bắc gồm: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hoà Bình, Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định. Trong đó, Yên Bái là địa phương đầu tiên được BV Bạch Mai chọn làm nơi triển khai thực hiện Đề án. Đánh giá về kết quả sau một năm thực hiện Đề án, TS.BSCC Nguyễn Quốc Anh - GĐ BV Bạch Mai - cho biết: "Đã có 126 cán bộ y tế được luân chuyển về các địa phương, trong đó năm 2009, Yên Bái đã nhận 28 cán bộ luân phiên. Tại Yên Bái chúng tôi đã chuyển giao nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh cho các bác sỹ. Nhiều bệnh nhân đã được chữa trị kịp thời tại địa phương và bước đầu mang lại niềm tin cho nhân dân đối với ngành y tế cơ sở".
Phương pháp triển khai thực hiện Đề án tại Yên Bái cũng như các địa phương khác, theo lãnh đạo BV Bạch Mai là "cầm tay chỉ việc", không làm thay. TS. Đào Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái - cho biết: "Các bác sỹ tuyến trên được tăng cường về Yên Bái đều là những bác sỹ giỏi, có tay nghề vững vàng và có khả năng sư phạm. Sau một năm triển khai, chất lượng chuyên môn của các bác sỹ tại Yên Bái được nâng lên rõ rệt, các bệnh viện tuyến huyện đã áp dụng được nhiều kỹ thuật mới, kiến thức về lâm sàng của các bác sỹ ngày càng vững vàng".
Để đạt được thành tích này, các CBLP đã phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng các cán bộ y tế tuyến tỉnh cùng "vượt khó", đạt hiệu quả tốt nhất trong hoạt đồng chuyển giao kỹ thuật mới.
TS. BS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Sản, BV Bạch Mai cho biết: "Ngày 14/11, chúng tôi đã chuyển giao thành công kỹ thuật cắt tử cung toàn phần đường bụng cho các bác sĩ (BS) tại BV đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thông qua việc thực hiện 6 ca phẫu thuật phụ khoa. Đây là một phẫu thuật cần thiết được thực hiện tại các khoa sản thuộc BV đa khoa tuyến tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh và giảm quá tải cho các BV tuyến trên. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hướng dẫn cho các BS Khoa Sản của BV kỹ thuật mổ sa sinh dục. Hiện nay, BS trưởng khoa sản của BV đã có thể thực hiện được kỹ thuật cắt tử cung bằng đường bụng".
BS Nguyễn Xuân Thực, Khoa Răng - Hàm - Mặt, người đã từng có 3 tháng chia sẻ những khó khăn cùng các BS BV đa khoa tỉnh Yên Bái cũng tâm sự: "Nguồn nhân lực ở BV đa khoa Yên Bái rất thiếu, cả Khoa Răng - Hàm - Mặt chỉ có biên chế 9 người, trong đó có 3 BS nhưng thường xuyên phải khám ngoại trú cho 500 - 1.000 bệnh nhân. Thế nhưng, đến chiếc ghế máy khám răng cũng không có, các BS tại đây chỉ thực hiện được phần khám, chữa bệnh ngoại trú, nhổ răng, việc điều trị nội trú cho những ca nặng đều phải chuyển lên tuyến trên". Trước tình thế này, BS Thực phải thay đổi "chiến lược" chuyển giao các kỹ thuật Răng - Hàm - Mặt như dự định ban đầu, anh tập trung chuyển giao kỹ thuật làm răng giả, tiểu phẫu và đặc biệt là phẫu thuật kết hợp xương vùng hàm mặt. Kỹ thuật này rất có ích đối với Yên Bái vì các ca tai nạn giao thông ở đây tương đối nhiều, thường tập trung tại vùng hàm mặt. Do đó, việc triển khai phẫu thuật kết hợp xương vùng hàm mặt bằng nẹp vít miniplate rất hiệu quả, nhiều bệnh nhân đã được phẫu thuật ngay, không phải chuyển tuyến như trước, rút ngắn được thời gian và chi phí điều trị.
Thực hiện trên 80% kỹ thuật được chuyển giao
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 1816, cả đại diện UBND tỉnh Yên Bái và Sở Y tế đều khẳng định khi Bộ Y tế quyết định thực hiện đề án 1816, Yên Bái rất phấn khởi vì đây là một cơ hội tốt hỗ trợ cho y tế tỉnh nhà.
Ngay từ ngày đầu triển khai đề án 1816, các cán bộ y tế Yên Bái luôn ghi nhớ khẩu hiệu 4 có, 5 không. Đó là không ỷ lại, không giấu dốt, không đùn đẩy, không chê bai, không thử tài đồng nghiệp và 4 có là có đề xuất công việc, bám sát nhu cầu, báo cáo trước sau... Bởi vậy, hiệu quả sau 1 năm Yên Bái thực hiện triển khai đề án 1816 bước đầu rất đáng khích lệ, đánh giá khả năng tự thực hiện các kỹ thuật sau khi được chuyển giao đạt trên 80 %.
Nhiệm vụ quan trọng nhất khi triển khai Đề án 1816 theo TS. BSCC Nguyễn Quốc Anh là chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế ở các tỉnh tuyến dưới. Mục tiêu đó khi triển khai tại Yên Bái đã thu được kết quả tích cực, tỉ lệ chuyển tuyến giảm 30%, trong đó BV đa khoa tỉnh giảm 10%, BV đa khoa khu vực Nghĩa Lộ giảm 15%. Kết quả này đã hạn chế tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên đồng thời giúp người dân không mất nhiều công sức khi điều trị bệnh.
Anh Giàng A Sang (xã Pú Luông, huyện Mù Cang Chải) - cho biết: "Việc chữa bệnh đã thuận lợi hơn nhiều rồi. Bây giờ không phải đi xa như ngày trước nữa, cái bệnh cũng mau chóng được chữa khỏi".
Là BV tuyến đầu tiên đón nhận bác sỹ tuyến trên về hỗ trợ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã nhận được sự trợ giúp hiệu quả. Ông Nguyễn Kiến Đào - GĐ BV đa khoa tỉnh - cho biết: "Nhiều ca bệnh khó chẩn đoán trước đây, nhưng sau thời gian triển khai Đề án, cũng đã dễ dàng hơn. Nhiều bệnh nhân nặng nay đã có thể được điều trị tại quê hương do trình độ khám chữa bệnh của các bác sỹ đã được nâng cao".
Sau một năm triển khai, Đề án 1816 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạm thời khắc phục những khó khăn về tình trạng thiếu bác sỹ đồng thời đưa được các dịch vụ y tế chuyên sâu về tận cơ sở. Nói về kế hoạch thực hiện Đề án 1816 trong thời gian tới, TS. BSCC Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Chúng tôi tiếp tục triển khai Đề án 1816 tại các tỉnh đang triển khai và trong thời gian tới sẽ mở rộng địa bàn sang năm tỉnh khác là Ninh Bình, Nghệ An, Sơn La, Tuyên Quang, Quảng Ninh".
Đỗ Hằng
TTĐT - CĐT