Có bệnh thay vì tới gặp bác sĩ tại cơ sở khám chữa bệnh, nhiều người đã lạm dụng công nghệ, nhờ đến bác sĩ "Google" để điều trị. Hậu quả là bệnh không khỏi và thêm gánh nặng.
Thói quen chữa bệnh trên mạng
Một bệnh nhân nữ 42 tuổi đến cầu cứu bác sĩ khi đã bị hoại tử chân trái sau, viêm mô tế bào trên nền hội chứng Cushing do thuốc/ viêm khớp dạng thấp. Bệnh nhân sau khi đi khám chuyên khoa được chẩn đoán viêm mô tế bào/viêm khớp dạng thấp đã tự tìm hiểu trên báo mạng, tự ý thay đổi liều corticoid và kháng sinh bác sĩ đã kê, kết hợp đắp thêm nhiều loại lá hái trên rừng. Hậu quả, bệnh nhân phải quay lại bệnh viện trong tình trạng chân hoại tử.
Hoại tử chân vì nhờ bác sĩ google chữa bệnh
Đây chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bệnh nhân gánh hậu quả vì tự chữa bệnh bằng cách vào mạng tìm thông tin điều trị. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, nhất là với các bà mẹ trẻ tự điều trị cho con.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: Trong quá trình công tác, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì quá tin vào "bác sĩ Google" mà bố mẹ khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng.
Đưa ra một ví dụ khá đơn giản, trẻ mới 2 tháng tuổi bị ho nhưng mẹ đã lên mạng hỏi uống thuốc gì và áp dụng cho trẻ uống mà không biết rằng, tình trạng của trẻ 2 tháng tuổi diễn biến rất nhanh, buổi sáng cháu còn rất bình thường nhưng sang chiều đã nặng, biến chứng viêm phổi.
“Chưa kể tình trạng, nhiều người cho con dùng thuốc vô tội vạ. Hôm nay dùng thuốc này không khỏi, mai vào mạng thấy thuốc khác lại thử, trong khi thuốc là mặt hàng đặc biệt, chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, dược sĩ cũng chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không cần đơn thuốc. Còn các thuốc kê đơn thì bắt buộc phải có đơn do bác sĩ kê đủ liều lượng, đủ thời gian...”, PGS.TS Dũng lo lắng.
Nguy hiểm đến tính mạng
TS.BS Phạm Thị Việt Hương - Trưởng Khoa Nhi (BV K Trung ương) - cho rằng, việc chúng ta tìm kiếm các thông tin về vấn đề sức khỏe trên mạng rất nguy hiểm và đang trở thành một trào lưu rất nguy hiểm. Sử dụng thông tin chữa bệnh trên mạng không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình mà còn nguy hiểm cho cả cộng đồng.
Chính TS.BS Hương đã chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư tự điều trị, đến khi bệnh quá nặng mới vào bệnh viện thì đã không kịp. Có trường hợp bệnh nhân đang điều trị trong viện nhưng có người rỉ tai xem bài thuốc của thầy lang trên mạng, rồi bỏ điều trị dùng mấy loại lá, rồi thuốc tự chế… dẫn tới mất cơ hội sống.
Mạng là nơi cung cấp thông tin đa dạng nên người dùng cần chọn lọc. Đặc biệt, với lĩnh vực sức khỏe, không phải tất cả những gì viết trên Internet đều đáng tin.
Theo Lao động