Ho ra máu có nhiều thể. Thể nhẹ hay gặp nhất và không nguy hiểm. Tuy nhiên, có thể gặp thể ho ra máu nặng, rất nặng gọi ho ra máu sét đánh. Trường hợp này không thể xem thường vì máu ộc ra không cầm được dẫn đến trụy tuần hoàn và tử vong.
Triệu chứng báo hiệu
Trước khi ho ra máu, người bệnh cảm thấy bứt rứt, khó chịu, hồi hộp, có cảm giác nóng ra sau xương ức, cảm giác ngột ngạt, nặng nề như có gì đè ép lên ngực một cảm giác không bình thường như thời điểm trước khi có giông bão, một cảm giác khó thở. Người bệnh khò khè, lợm giọng, ngứa cổ họng, cảm thấy có cái gì đó lọc xọc trong ngực; miệng, họng có vị tanh của máu, sau đó ho, khạc, trào, ộc máu từ đường hô hấp dưới (vùng dưới thanh môn) ra ngoài.
Biểu hiện lâm sàng
Máu ho ra màu đỏ tươi, ra trong hoặc sau cơn ho. Máu có bọt, có các bóng khí, không lẫn thức ăn. Máu có thể lẫn đờm (chứng tỏ máu ra từ phế quản).
Số lượng máu ho ra có thể ít, chỉ vài tia máu lẫn trong các chất khạc, vài mililit hoặc ra với số lượng trung bình từ vài chục đến một vài trăm mililit, hoặc nhiều hơn, trên 200ml ộc ra ngoài ào ạt, sặc sụa, người bệnh vừa ộc máu, vừa ho, càng ho càng ộc ra nhiều máu hoặc máu chảy ra không thoát ra ngoài được, đông lại trong đường hô hấp, bít tắc các phế quản làm cho bệnh nhân giãy giụa, nghẹt thở.
Ho ra máu có thể ngắn chỉ một vài ngày, thậm chí trong một ngày hoặc kéo dài hơn 5-7 ngày rồi bớt dần và ngừng hẳn. Có trường hợp ho ra máu kéo dài cả tháng, thành từng đợt, mỗi đợt cách nhau vài ngày. Trung bình thì máu ra nhiều trong vài ba hôm rồi bớt dần và hết sau 10-15 ngày. Đuôi máu là thời điểm sau khi ho ra máu nhiều, máu màu đỏ tươi, nay ra số lượng ít dần, màu nâu, nâu xám, màu gỉ sắt hay bã trầu. Đó là giai đoạn đi đến ngừng hẳn của ho ra máu, có giá trị báo hiệu. Ho ra máu sét đánh (gọi là sét đánh do tính chất ra máu đột ngột, nhanh như sét đánh), máu ộc ra không cầm được, ào ạt tuôn ra cho đến khi chết. Người bệnh chết trong cảnh trụy tuần hoàn cấp do mất máu nhiều cấp tính. Ho ra máu nhiều hoặc ho ra máu lần đầu, người bệnh thường hốt hoảng, lo sợ, da tái xanh, vã mồ hôi, mạch nhanh. Nếu máu ra nhiều thì có tình trạng sốc do huyết áp tụt. Bệnh nhân có thể sốt.
Khi ho ra máu nghe phổi có thể thấy các tiếng ran ẩm, ran nổ, ran phế quản...
Nguyên nhân thường gặp
3 nguyên nhân hay gặp nhất của ho ra máu là:
-
Lao phổi: Ho ra máu có thể là triệu chứng báo hiệu của lao phổi chưa được chẩn đoán được là biến chứng, là hậu quả của bệnh lao phổi đã được xác định.
-
Giãn phế quản
-
Ung thư phổi phế quản
Ho ra máu còn có thể do:
-
Bệnh phế quản: viêm phế quản cấp tính, mạn tính, hen phế quản...
-
Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, suy tim...
-
Bệnh toàn thân: Bệnh sinh chảy máu, thể trạng rải rác trong lòng mạch, nhiễm khuẩn huyết, bệnh thiếu vitamin C...
-
Nguyên nhân ngoại khoa: chấn thương, đụng giập lồng ngực, gãy xương sườn, sức ép do bom, do chất nổ...
Xử trí khi bị ho ra máu
Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho rau máu mà điều trị tại nhà hay chuyển đến bệnh viện.
Ho ra máu nhẹ: khi lượng máu ho ra dưới 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong chất khạc hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ. Nguyên nhân cần thực hiện là: nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho... Giảm các hoạt động, uống nước mát, lạnh. Ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở...).
Không ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.
Ho ra máu nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Nếu bệnh nhân cầm được máu thì sau đó khi tình trạng ổn định vẫn cần đi khám để xác định nguyên nhân bệnh đã gây ra ho ra máu để điều trị triệt để. Nếu ra máu nhiều hơn hoặc ra máu dai dẳng phải chuyển bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện.
Ho ra máu trung bình: Khi lượng máu ho ra từ 50-200 ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện.
Ho ra máu nặng: Khi lượng máu ho ra trên 200ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện. Trường hợp mất máu nhiều cần thiết phải truyền máu.
Phòng ngừa
Như trên đã nói, có nhiều nguyên nhân ho ra máu nên việc phòng ngừa cần phòng ngừa nguyên nhân. Đặc biệt phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh về hô hấp (lao, viêm phế quản...), tránh hút thuốc, điều trị bệnh huyết áp...
BS. Lê Văn Sơn
suckhoedoisong.vn