Đó là mô hình hỗ trợ một cửa tại Hàn Quốc được bà Kim Mi- lang, giám đốc trung tâm ECPAT KOREAN TACTEEN (Trung tâm Phòng chống nạn xâm hại và buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục) chia sẻ tại “Hội thảo góp ý tài liệu tập huấn cho cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới” diễn ra trong hai ngày 19 -20/7/2019 tại Ba Vì, Hà Nội.
Nằm trong khuôn khổ Dự án án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Hội thảo đã tập trung được các đại diện đến từ Bộ tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các chuyên gia Hàn Quốc cùng đại diện các cơ quan, đơn vị đang trực tiếp cung cấp dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân tham dự. Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai với tư cách là thành viên ban soạn thảo tài liệu tập huấn cho cán bộ y tế đồng thời là đơn vị cung cấp dịch vụ đã cử hai đại diện tham gia hội thảo.
Với 3 cuốn tài liệu tập huấn dành cho 3 nhóm đối tượng là cán bộ y tế, cán bộ công an và cán bộ cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hội thảo đưa ra, các chuyên gia và đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ đã thảo luận sôi nổi về quy trình cung cấp dịch vụ, hoạt động phối hợp giữa các bên cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ toàn diện, lấy nạn nhân làm trung tâm từ các chuyên gia. Nhiều góp ý hữu ích đã được ghi nhận.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới, phía chuyên gia Hàn quốc đưa ra mô hình hỗ trợ một cửa - “Hoa hướng dương” , một mô hình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực giới dựa vào hệ thống bệnh viện tại Hàn Quốc. Theo đó, trung tâm được đặt tại bệnh viện, do bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ sản khoa làm giám đốc, phó giám đốc do bác sỹ tâm lý hoặc công an đảm nhiệm cùng làm việc với các nhân viên trợ giúp tại các bộ phận y tế, tâm lý, pháp lý và các dịch vụ khác. Mô hình này giúp cho việc chăm sóc y tế, thu thập chứng cứ, xác nhận tình trạng thương tật, tổn thương của nạn nhân được kịp thời. Điều đó rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Khánh Lương, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhận định: “Từ thực tiễn triển khai các mô hình, chính sách phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Hàn Quốc cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, việc xây dựng tài liệu và triển khai hoạt động nâng cao năng lực nói riêng cũng như các hoạt động của dự án nói chung sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình, chiến lược về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.”
Tin và ảnh: Minh Nhâm