Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế và chuyên gia đầu ngành cùng gần 1.000 các y bác sĩ, thầy thuốc, nhà nghiên cứu về lĩnh vực ung thư, sinh học phân tử đến từ nhiều Bệnh viện, Trung tâm y tế hàng đầu trong cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Thống Nhất và một số Bệnh viện khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư phổ biến thường gặp nhất và là một trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26 ngàn ca với tỷ lệ tử vong là gần 24 ngàn ca cho cả hai giới nam, nữ. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối chỉ còn dưới 10%. Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng như kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn.
Trong ngày 9 tháng 3, Hội nghị tập trung vào chương trình đào tạo y khoa liên tục với hai chủ đề lớn đang được các chuyên gia rất quan tâm: “Một số tiến bộ về miễn dịch ung thư thay đổi thực hành trong ung thư phổi không tế bào nhỏ” và “Y học hạt nhân trong ung thư” với 8 bài báo cáo khoa học chất lượng cao đề cập tới những chiến lược, những phương pháp và ứng dụng khoa học mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi cùng các bệnh lý liên quan. Cùng với các bài báo cáo khoa học là các phiên thảo luận sôi nổi, bài kiểm tra sau buổi đào tạo đã góp phần đem lại thành công cho Hội nghị.
Trong ngày 10 tháng 3, hội nghị thu hút gần 20 bài báo cáo khoa học chuyên sâu của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, cập nhật tiến bộ mới nhất trên thế giới trong y học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, sinh học phân tử…
Hội nghị không chỉ là diễn đàn khoa học hữu ích cho các nhà khoa học, các chuyên gia y tế, các y bác sĩ mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu trực tiếp và trực tuyến, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về những tiến bộ mới nhất, những phương pháp tiếp cận và ứng dụng thành tựu của y học thế giới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Qua trao đổi với các chuyên gia tại Hội nghị, chúng tôi được biết: Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng như kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy việc tổ chức Hội nghị “Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” đã góp phần vào việc ứng dụng các tiến bộ, các phương pháp mới nhất của khoa học vào lĩnh vực nêu trên.
Với lợi thế là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt của cả nước, sự kết hợp đa chuyên khoa bao gồm các bác sĩ thuộc chuyên ngành Y học hạt nhân, Ung thư, Sinh học phân tử, Giải phẫu bệnh, Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật lồng ngực, Hô hấp… cùng đội ngũ chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, Bệnh viện Bạch Mai đã, đang và sẽ áp dụng những phương pháp điều trị mới nhất, cập nhật kịp thời, ứng dụng hữu ích những tiến bộ của thế giới một cách linh hoạt và sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng sống, nối dài sự sống cho người bệnh không may mắc phải căn bệnh ung thư phổi.
Bài: Nguyên Thương/Ảnh: Thế Anh