Hội thảo diễn ra với hai báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu: BSCKII. Trần Thái Sơn - Trưởng khoa Da liễu và ThS.BSNT. Nguyễn Thị Thu Phương - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cùng hơn 200 bác sĩ, học viên tham dự trực tiếp tại Hội trường 501, Trung tâm đào tạo & Chỉ đạo tuyến và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII. Trần Thái Sơn: Buổi sinh hoạt khoa học là diễn đàn trao đổi chuyên môn nhằm cập nhật những kiến thức mới được cập nhật liên tục, góp phần nâng cao tay nghề chuyên môn của các nhân viên y tế. Các kiến thức, kinh nghiệm trao đổi sẽ giúp cho việc điểu trị, quản lý người mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là bệnh vảy nến ngày một tốt hơn. Trong những năm gần đây, việc ra đời của thuốc sinh học đã tạo nên bước đột phá trong điều trị bệnh vảy nến, giúp sạch tổn thương da và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đáng kể.
Vảy nến là bệnh viêm da mạn tính thường gặp, ước tính chiếm 2 - 3% dân số thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 2.140 lượt bệnh nhân vảy nến khám và điều trị nội trú, tổng 608 bệnh nhân. Hiện tại có 72 bệnh nhân mắc vảy nến đang điều trị thuốc sinh học tại khoa Da liễu. Vảy nến không chỉ có biểu hiện ngoài da mà còn có thể ảnh hưởng đến khớp như viêm khớp, gây đau và biến dạng các khớp. Ngoài ra, người mắc bệnh vảy nến còn có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như: Bệnh lý viêm ruột, tiểu đường, rối loạn lipid máu, đột qụy, bệnh lý tim mạch và gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bệnh. Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều.
BSCKII. Trần Thái Sơn với bài báo cáo: “Dữ liệu dài hạn của các thuốc sinh học trong điều trị vảy nến” đã mang đến nhiều thông tin, kiến thức cập nhật về hiệu quả và tính an toàn của các thuốc sinh học đã được sử dụng để điều trị bệnh nhân vảy nến hiện nay.
Tiếp theo chương trình là phần chia sẻ của Ths.BS Nguyễn Thị Thu Phương về “Secukinumab: Tính nhất quán giữa dữ liệu lâm sàng và dữ liệu đời thực”. Đây là một loại thuốc sinh học điều trị bệnh vảy nến đã mặt có tại Việt Nam hơn 5 năm và nhiều bệnh nhân đã được tiếp cận với thuốc.
Cuối chương trình là phần thảo luận của chủ tọa, báo cáo viên và các bác sĩ, học viên tham dự. Tại buổi sinh hoạt khoa học, các bác sĩ, học viên đã được tiếp thu nhiều kiến thức mới, bổ ích nhằm phục vụ cho công tác điều trị chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh vảy nến ngày một tốt và hoàn thiện hơn.