Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Hồi ức từ "tâm sởi"

Dịch sởi năm 2014 khiến gần 4.600 người mắc bệnh, trên 21.000 trường hợp phát ban nghi sởi. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành Y tế và các Bệnh viện, nên dịch sởi đã nhanh chóng được khống chế.

Thưa quý vị và các bạn, dịch sởi năm 2014 khiến gần 4.600 người mắc bệnh, trên 21.000 trường hợp phát ban nghi sởi. Tuy nhiên, nhờ sự  phối hợp nhịp nhàng giữa ngành Y tế và các Bệnh viện, nên dịch sởi đã nhanh chóng được khống chế. Phóng viên Trúc Giang có bài ghi nhận lại tâm sự của một bác sĩ  trong “tâm sởi”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây

Giữa “tâm sởi”, người ta luôn thấy một bác sĩ vóc dáng gầy gò tất bật đến từng giường bệnh, tận tình theo dõi diễn biến bệnh ở trẻ. Suốt những chuỗi ngày dài, ông đồng hành cùng gia đình hàng trăm bệnh nhi, giành giật sự sống từ tay “tử thần”. Với 35 năm gắn bó cùng bệnh nhân nhi, bác sĩ đã không ít lần cùng khóc, cùng cười với những người bạn nhỏ của mình.

Nhớ lại trận dịch sởi năm 2014, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Từ sáng đến chiều, từ một ca viêm phổi, sau sởi đã có sự thay đổi nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng. Với kinh nghiệm điều trị bệnh của bản thân giúp tôi linh cảm, chắc chắn biến chứng sởi năm nay sẽ có nhiều cái bất thường. Biến chứng phổi nặng nhất trong các năm, từ ngày tôi vào nghề đến nay”.

vovgiaothong_soi_dich_benh.jpg
Bác sĩ Dũng (đứng đầu tiên bên trái) cùng đoàn Bộ Y tế thăm bệnh nhi. 

Ông nhớ lại, chưa khi nào dịch sởi lạ như thế, hầu hết bệnh nhi nhập viện đều bị virus sởi tấn công vào phổi, gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Dịch sởi ập đến, bệnh nhi ồ ạt nhập viện. Nhiều đến mức toàn bộ nhân lực và vật lực của Khoa nhi chỉ dành cho công tác điều trị và phòng chống sởi. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của các phòng ban, lãnh đạo bệnh viện với tinh thần đoàn kết đã giúp ông và đồng nghiệp vững vàng cùng chèo lái “con thuyền” vượt dịch sởi an toàn một cách ngoạn mục. Những ca biến chứng sởi nặng nhất cũng đã được điều trị khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

Ông nghẹn lòng nhớ lại, ca bệnh của hai anh em song sinh như trường hợp bé V.G.K và V.G.B. đều bị mắc sởi. Bé K  đã tử vong vì sởi, gia đình tiễn đưa người anh về an táng, còn người em B ở lại điều trị trong tình trạng thở máy nguy kịch. Người mẹ túc trực chăm con 24/24 tuy mệt mỏi, tiều tụy, nhưng chưa bao giờ thôi hi vọng. Và người phụ nữ ấy trao niềm tin cuối cùng cho các bác sĩ.

“Mình đến giường bệnh, người ta cứ ôm lấy tay và nói với bác sĩ, bác cố cứu,  cứu cháu. Cố gắng cứu cháu. Vì nhà chỉ có 2 đứa, một đứa trước mất vì sởi rồi. Bác cố cứu cháu. Họ nói trong nước mắt..”, bác sĩ Dũng hồi tưởng.

Thấu hiểu trọng trách của mình, bác sĩ Dũng và đồng nghiệp càng nỗ lực gồng mình níu giữ mạng sống cho bệnh nhân. Cũng nhờ đó, bé B đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Một ca bệnh khác, trường hợp bé N.T.N (9 tháng tuổi ở Bắc Ninh) như vẫn mới nguyên trong tâm tưởng bác sĩ Dũng. Đây là lần đầu tiên ông gặp ca biến chứng viêm não cấp do sởi phức tạp như vậy. Bệnh nhi sốt cao, hôn mê, co giật, viêm não ngay khi sởi đang diễn biến nặng, toàn thân bé N tím tái. Lúc này bà của cháu một mực xin về do bệnh tình quá nặng, nhất định không ở lại điều trị, vì lo điều trị khỏi cũng mang nhiều di chứng. Tuy nhiên, với phương châm “còn nước còn tát”,  bác sĩ Dũng thuyết phục gia đình tiếp tục điều trị cho cháu. Sự sáng tạo, nỗ lực trong từng giây, từng phút của các bác sĩ đã khiến gia đình bệnh nhân khâm phục, thêm tin tưởng để tiếp tục đồng hành cùng các bác sĩ.

vovgiaothong_soi_dich_benh_01.jpg
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. 

Sau một thời gian điều trị, cháu bé như được tái sinh. Bác sĩ Dũng khẳng định, đó là kết quả điều trị thành công ngoài mong đợi. Vì sau điều trị, không để lại bất kỳ di chứng nào do biến chứng viêm não của sởi. Đón bé N từ tay bác sĩ, bà ngoại cháu nghẹn ngào không nói nên lời, rưng rưng nước mắt. Chứng kiến những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà, bác sĩ như quên hết mệt mỏi từ những đêm thức trắng bên giường bệnh. Thật hạnh phúc, vì các bệnh nhi đã hoàn toàn bình phục một cách kỳ diệu. Những nụ cười, giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc.

Bên cạnh việc chữa sởi cho bệnh nhân, bác sĩ Dũng còn thường xuyên nhắc nhở nhân viên, đặc biệt là người có con nhỏ phải tự chủ động phòng bệnh để tránh lây chéo sang người nhà bằng cách phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sát trùng trước khi về. Kết quả, không có một trường hợp nhân viên y tế nào bị lây sởi từ bệnh viện. Theo bác sĩ Dũng, để dập được dich sởi tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, thì đó là sự nỗ lực của cả tập thể.

Ông nói: “Tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn thể bệnh viện rất cao. Yếu tố tổ chức là yếu tố rất quan trọng. Chuyên môn là một phần của kế hoạch, vì ngoài chuyên môn còn có máy móc, thiết bị, thuốc men, con người. Huy động hơn 100 cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, nội trú, SV Y khoa, SV Cao đẳng y tế để tăng cường trực… số máy móc được chuyển từ bộ y tế xuống. Máy thở từ cấc khoa….tất cả tập chung vào để điều trị cho các cháu”.

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, bác sĩ Dũng dành cả đời nghiên cứu và chữa bệnh cho trẻ. Không chỉ là người giỏi chuyên môn, ông còn có nhiều sáng tạo trong khoa học nhằm nâng cao chất lượng trong công tác điều trị nhi khoa. Với hơn 37 quyển sách được đã xuất bản của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những sáng tạo trong việc sử dụng máy thở cho trẻ. Đó là những cẩm nang quan trọng, vật gối đầu giường của những đồng nghiệp trẻ. Ông là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập.

Nguồn vovgiaothong.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image